Nói về câu chuyện học ngoại ngữ đang gây tranh luận thời gian gần đây, tôi thấy nhiều người có quan điểm sai lầm rằng phải học bằng mọi giá, tốn kém rất nhiều tiền bạc và thời gian, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Muốn học tốt một ngôn ngữ khác, bản thân người học phải thích đã. Chứ học vì ép buộc từ phía cha mẹ, thì cuối cùng cũng "chữ trả cho thầy".
Chuẩn bị vốn kiến thức tiếng Anh để vào đại học không quá phức tạp. Cứ để các con học một cách tự nhiên theo lộ trình là được. Hai con trai tôi năm nay lần lượt 19 và 23 tuổi. Các con bắt đầu học tiếng Anh ở trung tâm từ lớp 2. Mỗi tuần chỉ có hai buổi, mỗi buổi 90 phút. Các con học ở trung tâm theo lộ trình mà họ đưa ra phù hợp với từng giai đoạn. Cứ mỗi cuối khóa, các con lại có bài kiểm tra để xem sự tiếp thu kiến thức như thế nào?
Vợ chồng tôi đều tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ, chuyên ngành Tiếng Anh, nhưng không bao giờ can thiệp, thúc ép các con phải học bằng được, mà cứ để thuận theo khả năng và sự tự giác của con. Thế nên việc học tiếng Anh của các con cũng khá nhẹ nhàng, ngoài giờ học ở trung tâm, các con hầu như chẳng có bài tập gì về nhà để làm. Tôi chỉ thấy các con xem phim nước ngoài là chủ yếu.
Đến hè, trước khi con vào lớp 12, trung tâm mở đăng ký thi IELTS, xem như cột mốc kết thúc 10 năm học tiếng Anh ở trung tâm. Các con tôi cũng thi và có được chứng chỉ IELTS để bổ sung vào hồ sơ đăng ký vào đại học ở môi trường quốc tế cách đây 5 năm.
>> Tôi sốc khi thấy mình 'mù' tiếng Anh ở đại học
Tại sao những người lấy học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên ngành Vật lý, Hóa học... không học trong nước, mà phải tìm học bổng, chi một khoản tiền lớn để ra nước ngoài nghiên cứu vậy? Bởi có thể bạn giỏi chuyên môn ở trong môi trường làm việc của mình, chứ ra biển lớn bạn chỉ là hạt bụi. Ngoài chuyên môn, những người biết nhiều ngoại ngữ, được tiếp cận với những Giáo sư ở các nước phát triển, chắc chắn kiến thức của họ sẽ lớn hơn nhiều.
Thời tôi, học ngoại ngữ để đi làm, còn đến đời con tôi, học ngoại ngữ là để tiếp cận với môi trường đào tạo, nghiên cứu hiện đại. Tôi không thần thánh hóa ngoại ngữ, nhưng ai cũng cần phải học để mở mang kiến thức ra bên ngoài, chứ không thể quanh quẩn mãi trong cái 'ao làng'.
Tôi không thần thánh hóa ngoại ngữ, nhưng các con tôi phải học để lĩnh hội kiến thức ở bậc đại học do các giáo sư nước ngoài có tên tuổi truyền đạt. Kết quả như thế nào chỉ có con tôi cảm nhận được từ những thứ chúng thu nạp được khi tiếp cận với môi trường đào tạo quốc tế. Mục tiêu học ngoại ngữ không phải chỉ để đi xin việc, làm cho công ty nước ngoài, mà nó còn tạo ra một kho kiến thức khác của ngôn ngữ đó cho người học tiếp cận.
Con tôi học ngành Mechanical Engineering (Kỹ sư cơ khí). Năm cuối, đồ án tốt nghiệp của con được một giáo sư hướng dẫn. Theo yêu cầu của họ, con tôi phải tự thân hoàn thành một thiết bị xử lý nước đạt tiêu chuẩn của họ đề ra. Để làm được, con tôi phải tự nghiên cứu, từ thiết kế thiết bị, vật liệu, đến hóa chất, điện...
Tài liệu tham khảo những bài viết trên các tạp chí khoa học thế giới chỉ vỏn vẹn vài bài mà kết quả không đáp ứng được yêu cầu của đồ án. Vậy là con tham khảo một kho tài liệu bằng tiếng Anh trong thư viện của trường và bằng sự nỗ lực của bản thân, sau sáu tháng, thiết bị hoàn thành với kết quả vận hành cho số liệu đúng theo yêu cầu. Con làm được những việc mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới. Đó là thành quả xứng đáng mà con đã bỏ công sức học, nghiên cứu để thực hiện. Đó là lúc giá trị của việc học tiếng Anh được khẳng định.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.