Sau bài viết "Môn Văn không có lỗi", độc giả Mr Rain chia sẻ câu chuyện giáo viên chấm điểm thấp chỉ vì những miêu tả khác bình thường:
Năm lớp 3, tôi miêu tả cây rau ngót có quả và hoa đẹp bị cô trừ điểm. Nhà bạn nào trồng rau ngót chắc đều biết. Còn em gái tôi, hồi lớp 5, cứ đứng lúi húi nhìn tôi rồi hí hoáy viết. Hỏi viết gì thì nó bảo về tả chị gái nhưng không có chị nên nhìn anh rồi tả ngược lại là được.
Trước đây, ở gần nhà tôi có một anh hàng xóm. Hồi tiểu học, đề văn miêu tả bố, trong khi nhà anh này nuôi lợn. Vậy là anh này miêu tả "khi ngủ bố em ngáy như lợn ỉn". Bài văn sau đó được 4 điểm. Còn anh sau này làm bác sĩ cũng khá thành công.
Khi tôi làm giáo viên tiếng Anh, luyện kỹ năng viết và nói cho học sinh, tôi nhận ra nguyên nhân chính khiến người Việt kém kỹ năng nói không chỉ bởi thiếu kiến thức mà quan trọng là từ nhỏ, họ sợ nói sai bị chê cười; họ sợ đưa ra ý kiến bản thân bị chê sai lầm, giống như bài văn 4 điểm tả bố ở trên.
Văn chương vốn phải được tự do. Trẻ em muốn toàn diện phải được tự do phát triển ý thức của mình. Công việc của giáo viên chỉ là định hướng, uốn nắn chứ không phải áp đặt. Và hơn nữa học văn phải có mục đích chứ phân tích câu cú, phép điệp bút pháp liệu có ích lợi gì cho việc hiểu văn và tăng niềm ham mê văn học của các em? Trong khi những cái rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống như học viết đơn thì lại rất qua loa. Hãy dạy các em cái các em thật sự cần và cho các em viết cái các em muốn viết.
Bên cạnh đó, độc giả Minh Minh cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân:
Tôi năm nay 40 tuổi, vẫn nhớ hồi học lớp 3, cô cho đề văn tả bà ngoại, và được điểm 9. Nhưng có một chi tiết khi cô đọc lên cho cả lớp nghe, thì tất cả đều bật cười: "Bà ngoại em dáng rất mảnh mai, bà cao bốn mét...". Một chi tiết nhỏ ấy thôi khiến tôi nhớ đến tận bây giờ. Nên mỗi khi các con mình được cô giáo giao cho làm một bài văn miêu tả cây cối, đồ vật, cảnh biển, cảnh hoàng hôn..., mình đều phải dẫn cho con đi thực tế để con tự cảm nhận rồi viết. Có như vậy các con mới nhớ lâu, mới biết cách viết, miêu tả thế nào. Trong khi đó, nhiều cô giáo bây giờ thường tả mẫu rồi cho các con học thuộc. Học vậy không để làm gì cả, các con không có sự sáng tạo, tìm tòi và chỉ như một cái máy, rồi cũng không hiểu thực tế ra sao.
>> Quan điểm của bạn về việc dạy và học môn Văn thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.