'Phụ huynh không muốn con mình học giỏi', nghe thì có vẻ ngược đời, nhưng đó lại là suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ ngày nay, trong đó có vợ chồng tôi. Tại sao lại như vậy? Là cha là mẹ, ai mà không mong muốn con mình giỏi giang, thành tài, ai muốn con mình thua kém bạn bè? Nhưng danh hiệu học sinh giỏi, với những số điểm cao, điểm ảo, đặc biệt là đối với học sinh cấp 1, 2, có đáng để chúng ta đánh đổi cả tuổi thơ của các con?
Nhà tôi có một đứa cháu học lớp 4, ngày hai buổi học trên lớp, tối về làm bài tập đến tận 10h, thậm chí 11h đêm mới xong. Nhiều hôm, tôi thương cháu quá, phải dỗ dành: "Con làm bài tập về nhà đến đâu thì đến, vì nó là bài ôn lại kiến thức trên lớp thôi mà". Nhưng vì sợ nếu không làm hết bài tập về nhà thì sẽ bị cô giáo quở trách hoặc bị thua kém bạn bè, nên cháu vẫn cứ cặm cụi tới khuya. Đó là thứ áp lực vô hình đè nặng lên một đứa trẻ.
Không những vậy, vào hai ngày cuối tuần, lượng bài tập về nhà của con còn nhiều hơn ngày thường. Bản thân các con vốn đã không có thời gian nghỉ ngơi, lại lúc nào cũng phải lo lắng hoàn thành bài tập về nhà để không bị cô giáo trách phạt. Nhiều khi, cuối tuần gia đình muốn đưa các con đi chơi xa cũng không dám đi vì con chưa hoàn thành bài tập. Đây là sự thiệt thòi rất lớn với trẻ vì không được phát triển các kỹ năng khác trong cuộc sống.
Vợ chồng tôi làm công nhân viên chức, nên có thể kèm cặp một phần nào đó cho các con học, làm bài tập về nhà. Nhưng đối với những gia đình mà bố mẹ không có thời gian, hoặc không có kỹ năng sư phạm thì họ biết kèm cặp, hướng dẫn con làm bài tập về nhà như thế nào? Rồi từ đó lại phát sinh mấy chuyện học thêm ngoài giờ gây nhức nhối xã hội.
>> 'Siêu nhân lý thuyết' từ tiểu học
So với ngày tôi còn đi học, lượng kiến thức, cả về khối lượng và độ khó, mà học sinh ngày nay phải hấp thụ là quá nặng, quá nhiều. Việc này tôi nghĩ không làm các cháu giỏi lên, mà chẳng qua là học trước, biết trước mà thôi. Hãy so sánh giữa lượng kiến thức cùng bậc học (từ tiểu học đến trung học phổ thông) của học sinh Việt Nam và học sinh các nước phát triển hơn như Anh, Mỹ, Australia, các nước Bắc Âu... Ở các nước này, học sinh phải học kiến thức rất ít, cả về số lượng và trình độ. Thời gian còn lại, các con được học những kỹ năng sống khác thông qua các hoạt động ngoại khóa, thể thao...
Câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh các nước này học ít vậy (về kiến thức giáo khoa) sau khi ra trường, họ vẫn là người làm việc tốt. Tại sao chúng ta năm nào cũng đổi mới giáo dục, thay sách giáo khoa, làm cho cả xã hội lãng phí rất nhiều nguồn lực (phụ huynh mất tiền mua sách mới, các cơ quan quản lý, các nhà biên soạn mất thời gian thẩm định và biên soạn) những chất lượng sinh viên ra trường vẫn là một dấu hỏi lớn với các nhà tuyển dụng?
Tôi được biết đã có quy định cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học đã học hai buổi một ngày, cấm dạy và học thêm ngoài giờ. Nhưng tại sao những học sinh như cháu tôi chẳng hôm nào là không có bài tập về nhà? Tôi thấy, chủ yếu các cháu học trường tư thục, quốc tế là không phải làm bài tập về nhà hay đi học thêm. Mong rằng các nhà quản lý sớm có những biện pháp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng này, trả lại tuổi thơ vốn có cho các học sinh Việt.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.