Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào khoảng 7h sáng 3/2 tại hầm chui Nguyễn Trãi (hướng từ Nguyễn Trãi đi Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến một nam sinh điều khiển xe máy tử vong trong tình trạng tổn thương nặng ở vùng đầu một lần nữa cảnh báo về tình trạng học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện dưới 50 phân khối hiện nay.
Thực tế, đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến học sinh đi xe máy, xe đạp điện khi số lượng các phương tiện này ngày càng phổ biến. Nhiều em bị thương nhẹ thì cũng phải nằm viện, mất một thời gian dài mới hồi phục, ảnh hưởng đến quá trình học tập. Và có không ít trường hợp nặng để lại di chứng suốt đời, ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai, thậm chí khiến các em phải khép lại những giấc mơ dang dở, để lại bao nỗi tiếc thương, xót xa.
Hiện nay, học sinh tự đi học bằng xe đạp, xe đạp điện hay xe máy dưới 50 phân khối rất phổ biến. Dù điều đó không vi phạm quy định, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro do mật độ giao thông ở các đô thị quá lớn. Đa phần các vụ va chạm xảy ra giữa xe tải và xe máy, xe đạp, nạn nhân là học sinh tự điều khiển xe đến trường. Như vậy, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao khi cho học sinh tự đi học bằng xe máy, xe đạp điện. Vì thế, chặng đường đến trường đã trở thành nỗi ám ảnh, lo âu của các bậc phụ huynh.
Mỗi gia đình có một cách suy nghĩ, lựa chọn khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. Còn riêng tôi vẫn luôn lựa chọn phương án cho con đi học bằng xe buýt công cộng dù con đang học lớp 11, chứ không cho con đi xe đạp điện hay xe máy. Tôi luôn cảm thấy lựa chọn của mình là tối ưu đối với gia đình mình trong bối cảnh hạ tầng giao thông và mật độ phương tiện lưu thông ở Hà Nội hiện nay.
Mật độ phương tiện lưu thông ở nước ta rất đông đúc, các xe phóng nhanh, vượt ẩu, dễ va chạm với các phương tiện nhỏ trên đường khi có sự cố, tình huống bất ngờ xảy ra như: đi vào điểm mù của xe tải, vào làn đường xe ôtô... Trong khi đó, nhiều phụ huynh để con tự đi xe đến trường nhưng không dạy các em chấp hành luật giao thông đường bộ, không hướng dẫn các kỹ năng chạy xe an toàn, nên nhiều em ra đường chạy lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi sai làn đường...
Vì đi với tốc độ nhanh nên vào những hôm thời tiết xấu, có mưa to, bão lớn, dù không va chạm với xe khác thì các em cũng có thể tự ngã xe do đường trơn trượt hoặc mưa to làm khả năng quan sát của các em bị kém đi, không làm chủ được tay lái. Có những hôm các em dậy muộn, sợ đi học muộn nên tâm lý nóng ruột, vội vã nên phóng nhanh, vượt ẩu để kịp giờ vào lớp. Điều này cũng rất dễ gây tai nạn.
>> Trải nghiệm nhớ đời khi đi phượt một mình
Thêm vào đó, hạ tầng giao thông ở nước ta còn chưa đảm bảo an toàn. Ở đô thị, mật độ các phương tiện ngày càng nhiều hơn, xác suất rủi ro tai nạn giao thông ngày càng cao. Trong khi đó, ở lứa tuổi học sinh hiếu động, chưa chín chắn, thích thể hiện, việc sử dụng xe máy, xe đạp điện luôn tiềm ẩn nguy cơ dễ dẫn đến tai nạn, nhất là khi các em không chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Quan trọng nhất, vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp Giấy phép lái xe nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh gần như không có.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh đến trường, cần sự ợp tác từ nhiều phía. Nhà trường tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh phổ biến Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức phong phú, trực quan, để các em có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra. Phụ huynh cần cân nhắc trước khi mua xe, giao xe cho con, không dung túng, không tạo điều kiện cho con có phương tiện để vi phạm.
Về phía các lực lượng chức năng, bên cạnh công tác phối hợp với nhà trường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, cũng cần tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm học sinh đi môtô, xe máy đến trường, các trường hợp vi phạm luật giao thông.
Không có gì quý hơn tính mạng con người. Vì thế, trong bối cảnh giao thông hiện nay, việc hạn chế tối đa tình trạng giao phương tiện cá nhân cho học sinh đến trường cũng là cách bảo vệ các em. Việc tổ chức đưa đón học sinh đến trường là cần thiết. Nếu các bậc phụ huynh muốn bảo vệ tính mạng cho con mình một cách tốt nhất, giảm thiểu rủi ro ở mức cao nhất thì nên cho con đi học bằng xe của nhà trường hoặc đi xe buýt công cộng thay vì cho con tự đi học bằng xe máy, xe đạp điện như hiện nay.
Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền đang làm việc tại Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam. Tác giả chia sẻ nhiều ý kiến về các khía cạnh trong xã hội.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.