Xung quanh câu chuyện 'Giao bài tập về nhà cần thiết cho học sinh', độc giả Phạm Hùng cho rằng trách nhiệm của giáo viên là phải hoàn thành việc dạy kiến thức trên lớp thay vì bắt học sinh phải tiếp tục làm bài tập về nhà: "Tôi cũng là một giáo viên và tôi không đồng tình với quan điểm giao bài tập về nhà cho học sinh.
Học sinh đã phải học ở trường hai buổi mỗi ngày, nên giáo viên cần hoàn thành trách nhiệm dạy kiến thức và kỹ năng cho học sinh ngay trên lớp chứ không nên đẩy trách nhiệm đó cho phụ huynh vào buổi tối. Phụ huynh đã 'cày cuốc' cả ngày mệt mỏi, nên để họ và con cái có phút giây thư giãn bên nhau sau một ngày vất vả thay vì vật lộn với đống bài tập giáo viên giao về nhà.
Xin bổ sung thêm, những lý do của việc giao bài tập về nhà cho học sinh hoàn toàn là những khó khăn mà những người làm giáo dục phải giải quyết. Nếu thấy chương trình dạy học quá tải, học sinh không theo kịp thì giáo viên nên có ý kiến, đề xuất, kiến nghị lên các cấp quản lý thay vì lựa chọn giải pháp im lặng chịu đựng và đẩy trách nhiệm qua cho phụ huynh. Kết quả, dẫn đến cả ba bên là người dạy, người học và phụ huynh đều khổ sở.
Là một giáo viên, tôi cũng có con đang học lớp 2 và tôi không thấy giáo viên của con ra bài tập về nhà bao giờ. Sau khi tan học buổi chiều, cháu chỉ giải trí thể thao, chơi cờ, xem tivi, tám chuyện cùng ba mẹ... Tình cảm giữa ba mẹ và con cái nhờ đó rất khăng khít vì chúng tôi giải trí cùng nhau mỗi tối. Nhìn cháu lúc nào cũng rất vui tươi, năng động, rất thích đi học, bản thân người cha, người mẹ như chúng tôi cũng thấy an lòng.
Trước khi đi ngủ, con chỉ phải soạn sách vở cho ngày hôm sau. Con của tôi chỉ học trường công, không phải trường tư thục hay trường quốc tế cao cấp gì cả nhưng tôi rất hài lòng với môi trường học tập mà con được hưởng như vậy. Mặc dù, học lực của cháu cũng chỉ ở mức khá chứ không nổi bật gì. Tôi mong tất cả phụ huynh có con đi học đều được hưởng phút giây thư giãn bên con mỗi tối như gia đình tôi".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyen Hoàng Quốc Thái chỉ ra vấn đề cốt lõi là phải điều chỉnh chương trình giáo dục thay vì bắt giáo viên và học sinh phải chạy theo để hoàn thành những chỉ tiêu quá sức: "Phụ huynh đổ lỗi cho giáo viên, giáo viên lại đẩy trách nhiệm cho phụ huynh. Tại sao chúng ta không nghĩ khác, có cách nào để việc học chữ dừng lại sau cánh cổng nhà trường, để sau hai buổi học về nhà, học sinh được vui chơi, được rèn luyện những kỹ năng khác, được thoải mái vun đắp tình cảm gia đình, hơn là quần quật, quát tháo, thúc ép con, làm bài tập.
Có cách nào không? Theo tôi là có. Nó phụ thuộc hoàn toàn vào chương trình giáo dục. Nếu chương trình quá tải và yêu cầu giáo viên phải làm theo, thì Bộ Giaó dục & Đào tạo phải chịu trách nhiệm. Chứ không thể Bộ sai, rồi lại bắt giáo viên và học sinh phải chịu. Đã đến lúc phải làm quyết liệt để giải quyết vấn đề này".
Lấy ví dụ từ giáo dục phương Tây, độc giả Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm áp lực thành tích cho giáo viên và học sinh các cấp phổ thông: "Từ lớp 4, chương trình học đã được phân chia làm nhiều môn, mỗi môn có một giáo viên dạy riêng. Một ít bài tập về nhà của một giáo viên có thể không nhiều, nhưng nếu ai cũng 'một ít' như thế, gom lại sẽ thành 'không ít'.
Nếu học sinh nào thi học kỳ không đạt điểm phải ở lại lớp thì có lẽ đã không có chuyện này. Cái chính là áp lực thành tích 'mọi học sinh phải được lên lớp' đã đè nặng lên các vị giáo viên, buộc họ phải nghĩ ra đủ mọi cách để 'nâng' học sinh lên.
Phương Tây có rất ít học sinh siêu giỏi nhưng những học sinh này là giỏi thật sự chứ không phải nhờ học nhồi nhét mà giỏi. Phần lớn học sinh của họ chỉ ở mức trung bình, vừa đủ để lên lớp. Một ít học kém phải ở lại lớp. Còn ta, vì áp lực thành tích, dẫn đến học nhồi nhét, chương trình ngày càng nặng, học thêm dạy thêm đủ để cuối năm một số học sinh không đạt điểm lên lớp vẫn phải 'nâng điểm'. Việc này khiến cho ít nhất một nửa lớp đột nhiên biến thành học sinh siêu giỏi. Sự học mà cũng thiếu công bằng thì sao phát triển nổi?
Hiện tại, phương Tây đã bỏ đi khái niệm 'ở lại lớp' mà chỉ có 'ở lại môn học'. Môn nào học sinh đạt thì lên lớp trên học tiếp, môn nào không đạt sẽ phải ở lại lớp cũ học và thi cho đến khi qua. Hết lớp 12, học sinh nào đạt đủ các môn mới có tư cách thi tốt nghiệp, chưa đủ sẽ phải chờ hoàn thành hết. Do vậy, họ không có học sinh 'ngồi nhầm lớp'; không có chuyện cứ ai 18 tuổi, học hết lớp 12 là cũng đều có tư cách thi tốt nghiệp THPT hết".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.