8h20 sáng 16/7, đứng trước cổng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Vũ Quỳnh Nga, học sinh trường THCS thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) ngần ngừ chưa dám vào trong để tìm phòng thi, nghe phổ biến quy chế lúc 9h. "Em hồi hộp, muốn đứng ngoài cổng để lấy bình tĩnh rồi mới vào", Nga giải thích.
Từ năm lớp 7, nhận thấy khả năng học tiếng Anh của mình vượt trội, Nga bắt đầu tìm hiểu về trường chuyên Ngoại ngữ và Hà Nội - Amsterdam. Do có nhiều anh chị, người thân là cựu học sinh chuyên, đang học tại đại học tốt hoặc có công việc ổn định, niềm tin của Nga rằng "trường chuyên giúp đổi đời" càng được củng cố.
Bước vào lớp 8, em bắt đầu học thêm tiếng Anh hai buổi một tuần, Toán và Văn tự học. Nữ sinh coi đây là năm học lấy đà để lớp 9 dồn toàn lực ôn thi. Từ giữa học kỳ I năm lớp 9, em học gia sư tiếng Anh tuần 6 buổi tối, trừ chủ nhật. Cuối tuần, nữ sinh dành thời gian học Toán và Văn.
Thời gian biểu cả năm lớp 9 của Nga chỉ xoay quanh hai việc chính là ăn và học. Khoảng 2 tháng trước khi thi, mỗi ngày nữ sinh học đến 13-14 tiếng. Ngoài học hai buổi sáng, chiều tại trường, Nga về nhà tranh thủ ăn uống, tắm giặt rồi tiếp tục học gia sư đến khoảng 23h. Kết thúc buổi học em không đi ngủ ngay mà xem lại bài thêm 1-2 tiếng nữa.
Suốt đêm, khi nào tỉnh Nga lại bật đèn học, tiếp tục ôn bài hoặc ngủ liền đến khoảng 4-5 sáng để dậy học Văn. Có lần, em thức từ 2h đến sáng luôn rồi lại đi học ở trường. Nhiều đêm em chỉ ngủ khoảng 2 tiếng và không ngủ trưa.
Dành quá nhiều thời gian cho việc ôn luyện, mới tuần trước, Nga sốt li bì 4 ngày vì suy nhược và kiệt sức. Khi thấy con gái học quá nhiều, bố mẹ Nga đã hỏi "Có cần thiết phải như vậy không?" vì bố em học trường bình thường nhưng vẫn thành công. Nga giải thích mỗi thế hệ một khác và mong bố mẹ nhìn vào những thứ em đạt được và thay đổi nếu có thể đỗ vào trường chuyên.
Khi ôn tập, Nga thường làm đề tiếng Anh của các trường nhưng không chấm điểm, ngại nếu kết quả thấp sẽ mất tự tin. Thay vào đó, nữ sinh nhờ cậu là sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân chữa bài, xem phần nào em sai nhiều sẽ tập trung ôn lại cấu trúc và luyện tập dạng bài đó nhiều hơn.
Ngoài trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nữ sinh đăng ký nguyện vọng 2 vào trường THPT Việt Nam - Ba Lan gần nhà, thuận tiện đi học.
Trần Bảo Giang, học sinh trường THCS Dương Nội (quận Hà Đông), cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi vào lớp 10 từ hơn một năm trước. Em đăng ký thi thử sức vào lớp chuyên tiếng Trung của trưởng THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, đặt kỳ vọng cao nhất vào trường THPT Quang Trung - Hà Đông.
Thay vì đi học thêm khắp nơi, Giang chọn cách học thật tập trung ba môn Toán, Văn, tiếng Anh ở lớp. Em dành 4 buổi tối mỗi tuần đi học thêm, còn lại là tự học. Mỗi ngày của Giang thường kết thúc vào lúc 23h hoặc khi nào giải quyết xong bài tập. Em không ép mình phải học muộn mà cố gắng lúc nào học sẽ thật tập trung để đạt hiệu quả cao.
Sáng 16/7, đến điểm thi làm thủ tục, Giang vẫn có cảm giác lo lắng bởi chỉ còn hôm nay để ôn luyện cho môn Ngữ văn diễn ra vào sáng mai. "Môn đầu cũng là môn yếu nhất của em. Nếu làm bài không tốt, em sẽ bị ảnh hưởng tinh thần rất nhiều ở những buổi thi sau", Giang giải thích, dự định chiều và tối tập trung đọc lại các văn bản văn học trong sách giáo khoa lớp 9 để "yên tâm hơn".
Tại điểm thi trường THCS Dịch Vọng, Hà Ngọc Nhi, trường THCS Nghĩa Tân, cho biết đặt nguyện vọng 1 vào trường THPT Cầu Giấy. Vì mục tiêu giành suất vào ngôi trường luôn ở top 10 trường THPT công lập có điểm chuẩn cao nhất Hà Nội những năm gần đây, suốt năm lớp 9, ngày nào Nhi cũng học từ sớm đến tối muộn, cả ở trường, trung tâm học thêm và tự học.
Em hạ quyết tâm phải đỗ trường Cầu Giấy, không thì phải được nguyện vọng 2 vào trường THPT Quang Trung - Đống Đa chứ tuyệt nhiên không nghĩ sẽ học ở một trường tư thục bởi "không thích môi trường đó".
Để trúng tuyển nguyện vọng 1, Nhi tính toán phải đạt ít nhất 8 điểm mỗi môn. Trong 4-5 lần thi thử ở trường, mỗi tháng một lần, Nhi khá tự tin với môn Toán và Tiếng Anh nhưng lo lắng môn Văn bởi điểm thi thử chỉ loanh quanh mức 7. Hai môn kia phải gánh cho môn Văn sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn.
Ngày mai phải thi Văn đầu tiên, Nhi dành cả chiều nay để đọc lại một số tác phẩm trong sách giáo khoa, tối ngủ sớm lấy tinh thần. Nghe lời khuyên của cô giáo, Nhi dự định không so đáp án sau khi kết thúc mỗi buổi thi mà sẽ để thi xong cả ba môn mới ngồi xem lại. "Nhỡ xem luôn mà điểm thấp em lại lo", Nhi chia sẻ.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội diễn ra trong hai ngày 17-18/7 với ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, ít hơn một môn so với năm ngoài. Học sinh có nguyện vọng vào trường chuyên phải thi thêm môn chuyên ngày 19/7.
Năm nay, toàn thành phố có hơn 107.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong đó 88.920 em dự thi vào lớp 10. 113 trường công lập tuyển 64.110 chỉ tiêu, công lập tự chủ gần 2.800. Những em không vào công lập sẽ học trường ngoài công lập (hơn 21.400 chỉ tiêu), trung tâm giáo dục thường xuyên (hơn 8.000) và cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gần 8.500).
Thanh Hằng - Dương Tâm