Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030, quận Hoàn Kiếm với diện tích nhỏ nhất trong 12 quận của Hà Nội (5,29 km2) không đủ diện tích tối thiểu theo quy định (35 km2) và thuộc diện phải sáp nhập. Câu hỏi đặt ra ở đây là việc thay đổi địa giới hành chính này sẽ đem lại hiệu quả gì, có đáng khi so với những bất cập, phiền toái (giá trị lịch sử, quản lý hành chính...) mà nó gây ra? Và nếu làm thì sáp nhập Hoàn Kiếm vào quận nào?
Thực tế, đây không phải lần đầu người ta đề cập tới chuyện thay đổi địa giới hành chính. Việc mở rộng Hà Nội vào năm 2008, trên nhiều khía cạnh, vẫn còn gây tranh cãi cho tới tận hôm nay.
Tôi cho rằng, việc sáp nhập các địa phương với mục đích chính là nhằm tăng hiệu quả kinh tế của hệ thống quản lý hành chính, trên cơ sở hiệu quả so sánh lợi ích và chi phí. Vì vậy, tiêu chí để sáp nhập phải đặt lên hàng đầu tiêu chí về quy mô kinh tế (GRDP), sau đó mới tới dân số và cuối cùng mới là diện tích.
Xét về quy mô kinh tế, thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm luôn vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ với mức tăng bình quân năm là 22%. Riêng trong năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận đạt 14.732 tỷ đồng (lớn nhất Hà Nội), đạt 131% dự toán, bằng 105,2% so với năm 2021. Trong khi đó, quy mô dân số của quận Hoàn Kiếm là 212.921, lớn hơn tiêu chí do Quốc hội đặt ra (150.000 người).
>> Sáp nhập Hoàn Kiếm vào quận nào?
Nếu xét trên hai tiêu chí trên, rõ ràng, quận Hoàn Kiếm cũng như các quận khác của Hà Nội và TP HCM không phải là ưu tiên cho đợt sáp nhập này, vì chi phí trên GRDP cho bộ máy quản lý hành chính của các quận này là nhỏ so với tiêu chí của một quận, huyện. Mặt khác, chi phí cho việc sáp nhập bao gồm chi phí của dân cư và các hoạt động kinh tế sẽ là rất lớn.
Theo tôi, nên tập trung vào những địa phương có GRDP nhỏ, tỷ lệ chi phí cho bộ máy hành chính cao. Ngoài ra, nên khoán ngân sách chi cho bộ máy hành chính các địa phương (tỉnh) tự cân đối quy mô để tăng tính chủ động, tiết kiệm và phấn đấu phát triển kinh tế. Địa phương nào kinh tế tốt thì cán bộ, công chức, viên chức có thu nhập tốt và ngược lại.
Tóm lại, mục tiêu của sáp nhập là tăng hiệu quả quản lý, chi phí cho bộ máy quá cao so với ngân sách (tỷ lệ với GRDP) nên tiêu chí sáp nhập cần phải là GRDP, dân số rồi mới tới diện tích. GRDP của quận Hoàn Kiếm cao gấp 5 lần mức trung bình của cả nước, tức là tỷ lệ chi cho bộ máy quản lý chỉ bằng 20% mức trung bình, như vậy là đang rất hiệu quả. Vậy thì sao phải sáp nhập, gây ra rất nhiều hệ lụy và tăng chi phí cho trực tiếp cho chuyển đổi và gián tiếp doanh nghiệp, và người dân?
Quận Hoàn Kiếm được thành lập năm 1961 là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của thành phố Hà Nội, tập trung nhiều đầu mối giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ quan trọng, đồng thời là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước. Quận cũng là địa phương hội tụ nhiều công trình di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, thu hút du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.