Trong 10-15 năm gần đây, tại Việt Nam có một quan điểm phổ biến cho rằng giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm là giải pháp để giải quyết tắc đường, quá tải hạ tầng đô thị. Bản chất, đây là cách tiếp cận phát triển đô thị theo chiều rộng (dispersed city) đối lập với cách tiếp cận phát triển đô thị nén (compact city). Tuy nhiên, nhìn lại những gì đạt được, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại quan điểm này.
Quan sát tắc đường ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, chúng ta sẽ thấy những đặc điểm sau:
- Về thời gian: mật độ phương tiện giao thông tập trung vào giờ cao điểm (buổi sáng đi làm và buổi chiều tan sở).
- Về địa điểm: Ùn tắc thường tập trung tại các trục giao thông hướng tâm vào trung tâm thành phố (trong đó: buổi sáng tắc chiều vào, buổi chiều tắc chiều ra).
- Tắc đường ngày càng lan rộng, cùng với sự mở rộng của thành phố, khiến ùn tắc từ khu trung tâm nay lan rộng, đặc biệt ở các khu tiếp giáp, vùng ven.
Như vậy, mục đích giãn dân theo hướng phát triển đô thị theo chiều rộng đã không mang lại kết quả như mong đợi. Đây cũng là tình trạng mà một số thành phố lớn trên thế giới như Mumbai (Ấn Độ), Cairo (Ai Cập), Ryadh (Ả-rập Xê-út)... đang gặp phải.
Trên thực tế, ai cũng muốn mua nhà gần nơi làm việc để giảm bớt thời gian di chuyển. Nhưng sau 10-20 năm giãn dân, phần lớn công sở, các hoạt động kinh tế chính vẫn diễn ra ở khu vực trung tâm, trong khi quy định hạn chế xây nhà cao tầng ở trung tâm đã làm nguồn cung nhà ở khu vực lõi ngày càng hạn chế, đẩy giá nhà trung tâm cao lên mức khó tiếp cận đối với đại đa số cư dân đô thị. Do vậy, dù muốn nhưng phần lớn người dân vẫn phải ra các khu xa để sinh sống, khiến quãng đường di chuyển hàng ngày càng bị kéo dài. Chúng ta vẫn chứng kiến từng dòng người ùn ùn vào trung tâm đi làm và chiều lại ùn ùn kéo ra.
>> TP HCM đang mở rộng theo kiểu 'vết dầu loang'
Để giải quyết tắc đường, ai cũng biết cần phải phát triển giao thông công cộng, trong đó xương sống là hệ thống đường sắt đô thị vận chuyển khối lượng lớn. Nhưng với độ dàn trải của đô thị như hiện nay, đầu tư hạ tầng giao thông công cộng sẽ đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ và không biết bao giờ mới hoàn thiện được.
Hãy lấy Hà Nội làm ví dụ, phải mất hơn 10 năm với gần 2,4 tỷ USD mới sắp hoàn thiện được hai tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 32 km (16 km/ tuyến) và chỉ giải quyết được hai trục hướng tâm là Nhổn - Ga Hà Nội, và Cát Linh – Hà Đông. Trong khi đó, theo quy hoạch, thủ đô sẽ cần ít nhất tám tuyến với chiều dài hơn 300 km, gấp 10 lần quy mô hiện nay mới đáp ứng được việc kết nối giao thông công cộng hoàn chỉnh. Đó là còn chưa nói đến các hạ tầng công cộng khác...
Con số đó cho thấy không biết bao giờ những thành phố lớn như Hà Nội, nếu tiếp tục mở rộng kiểu vết dầu loang như hiện nay, mới giải quyết cơ bản được vấn đề tắc đường và quá tải đô thị.
Trong nguồn lực hạn chế, để sớm giải quyết việc tắc đường, quá tải đô thị, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại việc tiếp tục mở rộng đô thị như hiện nay. Việc mở rộng đến một ngưỡng nào đó, các chi phí xã hội sẽ lấn át hiệu quả hoạt động của đô thị. Sẽ không còn hiệu quả khi một ngày làm việc tám tiếng nhưng người dân phải bỏ ra hai tiếng trên đường cho việc đi lại.
Theo tôi, cần xem xét quay lại giải quyết khu vực lõi trung tâm bằng việc phát triển đô thị nén, đó là phát triển theo chiều cao. Cụ thể là đẩy mạnh việc phát triển nhà chọc trời, khuyến khích xây dựng đan xen giữa các tòa dân cư và văn phòng, các tòa hỗn hợp (chung cư, văn phòng, thương mại - dịch vụ) ở khu trung tâm (ví dụ trong bán kính 4-6 km, trừ các khu vực bảo tồn như phố cổ) để người dân có thể lựa chọn chỗ ở theo nhu cầu, rút ngắn quãng đường di chuyển nhờ việc có thể lựa chọn nơi ở gần chỗ làm. Như vậy, thay vì hàng ngày di chuyển 10-12 km đi làm, họ sẽ chỉ di chuyển 3-4 km; cho phép đầu tư hệ thống giao thông công cộng được tập trung và hoàn chỉnh trong nguồn lực có hạn.
Với đô thị nén, chỉ cần một phần chi phí đầu tư phát triển giao thông công cộng của đô thị phát triển theo chiều rộng, sẽ đáp ứng được một lượng gấp nhiều lần nhu cầu của cư dân đô thị. Ví dụ, với cùng 32 km chiều dài của hai tuyến đường sắt đô thị, nếu tập trung đầu tư cho khu vực bán kính 4-5 km của đô thị nén, chúng ta sẽ làm được 7-8 tuyến đường sắt đô thị, đủ để hoàn thiện một mạng lưới khá hoàn chỉnh ở khu trung tâm. Khi đó, tần suất vận chuyển của các đoàn tàu đường sắt đô thị tính một cách đơn giản sẽ tăng thêm bốn lần do khoảng cách ngắn hơn.
>> Ba bước để phát triển đô thị vệ tinh Hà Nội
Tại đô thị nén, với khoảng cách được rút ngắn và hạ tầng giao thông công cộng được cải thiện, một lượng lớn dân cư đô thị sẽ chuyển sang dùng đường sắt đô thị, đi bộ, bỏ ôtô, xe máy... góp phần giảm áp lực tắc đường lên hệ thống đường sá ở khu trung tâm. Đây là cách tiếp cận của phần lớn các đô thị lớn trên thế giới như New York, Hong Kong, Singapore... Nếu ai từng đi nhiều nước phát triển, khu trung tâm luôn là nơi tập trung các tòa nhà chọc trời, một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với Việt Nam đang cố hạn chế nhà cao tầng ở khu vực trung tâm.
Cùng với phát triển đô thị nén, chúng ta không nên phát triển đô thị theo kiểu vết dầu loang như hiện nay, mà phát triển một số đô thị vệ tinh theo kiểu đô thị nén thứ cấp. Kết nối giữa các đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm là các hành lang đường sắt cao tốc và đường cao tốc đô thị (city link). Xây dựng các khu bãi đỗ xe số lượng lớn tại vành đai đô thị nén để cư dân bên ngoài chuyển sang phương tiện giao thông công cộng khi vào đô thị lõi.
Ngoài ra, cũng cần khuyến khích các tiểu đô thị trong lòng đô thị lớn. Với một đô thị có đầy đủ dịch vụ như trên, dự kiến 1/3 số người của khu đô thị không ra ngoài tham gia giao thông (do mọi dịch vụ từ trường học, mua sắm, giải trí, khám chữa bệnh... đều được thực hiện trong lòng tiểu đô thị). Chỉ những người đi làm và có công việc bên ngoài mới tỏa ra tham gia giao thông (điều này lý giải tại sao có nhiều khu đô thị lớn nhưng áp lực gây tắc đường không nghiêm trọng như chúng ta từng nghĩ).
Như vây, chúng ta cần sớm thay đổi cơ bản quan điểm cấm xây cao trong trung tâm như hiện nay và đẩy mạnh đầu tư hệ thống Metro nội đô. Quy định cấm xây nhà cao tầng hiện nay ở trung tâm đã cản trở rất lớn việc cải tạo chỉnh trang đô thị, đồng thời gây lãng phí lớn về sử dụng đất và các chi phí cải tạo, khắc phục sau này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.