Xung quanh thông tin Hà Nội chi gần 700 tỷ đồng xây hầm chui đường bộ nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của dự án khi chưa đánh trúng được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề:
Dọc hai bên tuyến đường Tố Hưu có rất nhiều chung cư đang và sẽ xây dựng mà đường lại chỉ có sáu làn xe (bao gồm cả làn BRT). Quy định các phương tiện ngoài xe BRT không được lấn làn, nhưng thực tế, xe máy vẫn đi vào, ôtô có thể sợ đi vào bị phạt nguội. Vô hình trung, nhìn thực tế tuyến đường này, làn ôtô đi giữa, còn xe máy đi hai bên, dẫn đến đa phần ôtô không dám đi nhanh vì sợ va quệt, giao thông cũng vì thế càng ách tắc.
Nói chung, đoạn Thái Hà - Lê Văn Lương tập trung quá nhiều công ty, gần như là trung tâm làm việc của Hà Nội, nên kiểu gì cũng tắc, chừng nào chưa làm tốt hệ thống tàu điện ngầm. Tôi không hiểu quy hoạch kiểu gì khi tập trung giao thông công cộng ở khu phố cổ mà chẳng ai đi, trừ cuối tuần đi dạo. Chính việc để BRT hoạt động trên tuyến đường này gây nên tắc nghẽn.
Đường Tố Hữu - Lê Văn Lương có một làn đường BRT đã thấy rất bất cập và không phù hợp. Sáng nào đường cũng tắc dài khi mỗi chiều chỉ có hai làn đường (không tính BRT). Sắp tới mà quây đường làm hầm ở ngã tư Lê Văn Lương và Khuất Duy Tiến, không hiểu còn tắc cớ nào nữa? Tôi mong muốn bỏ BRT tuyến này.
Không thấy ai đề cập đến tình trạng dừng đỗ ôtô trái phép dưới lòng đường. Các bạn cứ quan sát mà xem, đường to hay bé gì đều có hiện tượng này, càng ngày càng nhiều, nhất là những chỗ có hàng quán, nhà cao tầng... Xe đỗ dưới lòng đường cản trở giao thông rất lớn, đường đã bé nay lại bị chiếm dụng nữa. Trong giờ cao điểm, các xe vẫn ngang nhiên đỗ, dừng ở những chỗ có biển cấm là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Hiện tượng đỗ xe trái phép như thế này không hề thấy các cơ quan chức năng có động thái gì. Ngoài ra, giờ cao điểm thì xe đẩy thu gom rác cũng hoạt động, cản trở giao thông rất nhiều.
>> Dải phân cách cứng khiến cầu Thanh Trì 'hở ra là tắc'
Đánh giá về quy hoạch của Hà Nội nói chung, không ít ý kiến chỉ ra những điểm bất hợp lý:
Thực ra, BRT đã làm giảm khả năng lưu thông đi rất nhiều, cộng thêm mật độ nhà cao tầng ở trục đường này quá dày kéo theo số người làm việc và sinh sống ở đây cực lớn. Tất cả những điều đó khiến cả tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu luôn trong tình trạng quá tải. Nếu chỉ phụ thuộc vào phương tiện nổi như xe buýt để giảm phương tiện cá nhân, sẽ không bao giờ đem lại kết quả chống kẹt xe, mà phải kết hợp hệ thống tàu điện ngầm khắp thành phố mới may ra có thể.
Hiện nay, Hà Nội vẫn quy hoạch theo kiểu "tắc đâu, mở đấy", chưa có một quy hoạch tổng thể để giảm tắc nghẽn và phân bổ hợp lý dân cư, tuyến đường... Nên khi mở đường mới, giảm tắc cho tuyến đó, nhưng vẫn bị tắc nghẽn ở cuối tuyến vì đường khác chưa mở rộng tương đương.
Hà Nội đang đi sửa đường, sẽ rất tốn kém và mệt mỏi. Nên xiết chặt việc cấp phép xây dựng chung cư, cao ốc trong vành đai 3. Đầu tư hoàn thiện vành đai 3, 4 và kết nối bằng các trục đường xuyên tâm một lần sẽ giãn được dân cư, kết nối ra các đô thị vệ tinh bên ngoài, biến Hà Nội thành một siêu đô thị.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.