Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập trong hai năm tới. Cụ thể, đối chiếu quy định hiện hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.
Không đồng tình với quan điểm sáp nhập quận Hoàn Kiếm, độc giả Minh Phuong Hoang nhận định: "Quận Hoàn Kiếm là một trong bốn quận đầu tiên của Hà Nội, có lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời. Tôi sinh ra và lớn lên trong phố cổ, đối với tôi những con phố, di tích, địa danh đều rất thân thương, gần gũi và gắn liền với tuổi thơ. Theo tôi, không nên sáp nhập vì đây là vấn đề lịch sử, truyền thống, không thể chỉ mang diện tích ra để so sánh. Hơn nữa, mật độ dân số và hoạt động kinh tế trong quận Hoàn Kiếm rất lớn, quản lý đã phức tạp rồi, giờ sáp nhập vào đâu cũng gây khó khăn trong quản lý hành chính. Tốt nhất nên để nguyên như cũ".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Yêu Tổ quốc đặt dấu hỏi xung quanh kế hoạch sáp nhập quận Hoàn Kiếm: "Thử hỏi sáp nhập quận Hoàn Kiếm vào quận nào? Ba Đình, Đống Đa hay Hai Bà Trưng? Đó cũng là những cái tên đã đi vào lịch sử, không thể xóa được. Chưa kể, quận Đống Đa từng tách một phần thành quận Thanh Xuân, Ba Đình tách một phần thành quận Tây Hồ, Hai Bà Trưng tách một phần thành Hoàng Mai, chừng đó là đủ biết không nên sáp nhập vào quận nào trong ba quận đó. Trong khi đó, rất khó nhập vào quận Long Biên vì địa giới tự nhiên chính là sông Hồng, nhập vào sẽ không phù hợp với quy hoạch địa lý theo tự nhiên".
Lo ngại việc sáp nhập sẽ gây nhiều phiền toái, hệ lụy tiêu cực trong thủ tục hành chính, độc giả ATT phân tích: "Thời điểm này, chúng ta cần ổn định các đơn vị hành chính, tránh tách - nhập gây phiền toái không cần thiết. So với Hà Nội, TP HCM có rất nhiều quận nội thành với diện tích còn nhỏ hơn Hoàn Kiếm như Quận 4 (4.18 km2), Quận 5 (4.27 km2), Quận Phú Nhuận (4.88 km2)... nhưng chưa đặt vấn đề sáp nhập, vì tuy quận có diện tích nhỏ, nhưng dân số rất lớn. Đây là đặc điểm của các đô thị đặc biệt, nên xin được có ngoại lệ. Sáp nhập lại sẽ gia tăng dân số, gây quá tải các cơ quan hành chính".
>> Chờ đợi thành phố hai bên sông Hồng từ đời ông đến đời cháu
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, bạn đọc Chuoi lại ủng hộ việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm: "Bây giờ nhìn vào thì khó có thể đưa ra đề xuất sáp nhập với địa phương nào. Tuy nhiên, Hà Nội có 176 đơn vị cấp xã phải sáp nhập, trong số này có lẽ bao gồm khá nhiều phường ở khu trung tâm. Thiết nghĩ, thành phố nên đưa ra phương án sáp nhập lại các phường trước. Sau đó căn cứ vào địa giới các phường sẽ dễ có câu trả lời cho việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm với quận nào là hợp lý.
Dân số lớn không phải vấn đề, hiện nay mọi dữ liệu dân cư đã được số hóa, cần phải tận dụng điều này để tinh gọn bộ máy. Như tại Trung Quốc, họ cũng đã sáp nhập nhiều địa phương trong nhiều thập kỷ trở lại đây, đơn cử là quận trung tâm nội đô lịch sử của TP Thượng Hải là quận Hoàng Phố hiện đã rộng 20 km2, dân số 700.000 người. Vậy tại sao chúng ta không làm được?".
Đồng quan điểm, độc giả Mr Ha nhấn mạnh: "Nên xem xét và sát nhập thêm một số quận huyện, phường xã và một cố cơ quan hành chính nữa như quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm với quận Tây Hồ như Xuân Đỉnh, Xuân Tảo... Có sát nhập thì mới tinh giản được lao động gián tiếp, giảm gánh nặng cho ngân sách, hiệu quả công việc của công viên chức cao hơn, và có thể tăng lương phù hợp hơn... Với sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật và viên chức có năng lực sẽ đảm bảo tốt lượng công việc hiện tại".
"Chỉ cần sáp nhập những phường giáp ranh của ba quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà là vẫn giữ nguyên được cả bốn quận. Ví dụ: đoạn Hòe Nhai - Cửa Bắc - Phúc Xá thuộc quận Ba Đình cho nhập vào Hoàn Kiếm vì các phố cổ rất sát nhau; taị quận Đống Đa cho nhập đoạn di tích lịch sử Văn Miếu - Nguyễn Khuyến vào tăng nguồn thu du lịch; còn quận Hai Bà Trưng cho nhập khu thương mại sầm uất Phố Huế - Bà Triệu. Nên biến quận Hoàn Kiếm thành nơi hội tụ tinh hoa như quận 1 của TP HCM", bạn đọc Chính Hoàng Minh đề xuất.
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng. Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.