ThS.BS Nguyễn Thị Oanh - Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó bệnh hở van tim phổ biến. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí có thể tử vong.
Hệ thống van tim có cấu tạo gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi. Các van tim có vai trò điều hướng dòng chảy của máu ra - vào tim theo nguyên tắc một chiều. Cụ thể, khi máu từ buồng tâm nhĩ chảy xuống buồng tâm thất thì van 2 lá và van 3 lá sẽ mở ra, khi đó van động mạch phổi, van động mạch chủ sẽ đóng lại. Khi máu được bơm từ buồng tâm thất lên phổi, hệ thống tuần hoàn thì hai van động mạch phổi, van động mạch chủ mở còn van 2 lá và van 3 lá đóng lại, ngăn không cho máu trào ngược vào 2 buồng tâm nhĩ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Oanh, bệnh van tim là bệnh lý xảy ra khi một hoặc nhiều van tim gặp vấn đề về mặt chức năng, không thực hiện tốt chức năng đóng - mở, ảnh hưởng khả năng điều hướng máu lưu thông theo một chiều. Có hai dạng bệnh van tim thường gặp, đó là bệnh hở van tim, hẹp van tim.
Bệnh hở van tim là tình trạng các van tim đóng lại không kín, khiến dòng máu trào ngược trở lại buồng tim mỗi khi tim co bóp. Do đó, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu do trào ngược. Hở van tim có 4 loại, tương ứng với 4 loại van tim:
Hở van tim 2 lá: máu trào ngược từ tâm thất trái về tâm nhĩ trái.
Hở van tim 3 lá: máu trào ngược từ tâm thất phải về tâm nhĩ phải.
Hở van động mạch chủ: máu trào ngược từ động mạch chủ về tâm thất trái.
Hở van động mạch phổi: máu trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải.
"Với mỗi dạng hở van tim sẽ kèm theo 4 mức độ hở van 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Mức độ hở 4/4 là nặng nhất, kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe của người bệnh", bác sĩ Oanh cho biết.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng hở van tim
Các tổn thương khiến van tim bị hở có thể chia làm hai nhóm là nguyên nhân bẩm sinh và nhóm nguyên nhân do người bệnh có những bệnh lý mắc phải.
Hở van tim do nguyên nhân bẩm sinh: thường gặp do bất thường cấu trúc van động mạch chủ, van hai lá. Đối với nhóm nguyên nhân gây bệnh lý hở van tim do mắc phải bao gồm 2 dạng bệnh thường gặp:
Bệnh lý van tim mắc phải do hậu thấp: Tình trạng hở van tim xảy ra sau khi bị thấp khớp. Đây cũng là dạng hở van tim chiếm tỷ lệ cao nhất ở Việt Nam và những nước đang phát triển.
Bệnh lý van tim mắc phải do thoái hóa: Nguyên nhân có thể do quá trình thoái hóa của tuổi già, van dày vôi hóa, đóng không kín.
Hở van tim do nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim giãn, phình/tách động mạch chủ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn,...
Hở van hai lá do sa van, đứt dây chằng van hai lá,...
Các dấu hiệu thường thấy của hở van tim
Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh cho biết, bệnh hở van tim có triệu chứng khá đa dạng, phụ thuộc vào mức độ hở van tim. Với hở van tim mức độ 1/4, người bệnh gần như không có triệu chứng, rất khó phát hiện. Vì vậy, hở van mức độ 1/4 còn gọi là hở van sinh lý, thường ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Từ hở van mức độ 2/4 thì người bệnh có thể gặp những triệu chứng như: khó thở, đặc biệt là khi nằm hay hoạt động mạnh, có thể có cơn khó thở về đêm; mệt mỏi kéo dài liên tục ngay cả khi không hoạt động (giảm khả năng gắng sức); tim đập nhanh, đánh trống ngực liên tục ngay cả khi không hoạt động; ho khan, nhất là về đêm; không nằm thấp đầu được; choáng ngất; phù mắt cá chân hoặc bàn chân.
"Người bệnh hở van mức độ 2/4 ở giai đoạn đầu thường không thấy những biểu hiện rõ ràng. Khi mức độ hở van tăng lên 3/4, bệnh tiến triển qua nhiều năm, thường sẽ xuất hiện triệu chứng hoặc biến chứng như suy tim, rối loạn nhịp tim,... Nguy cơ suy tim ở người bệnh hở van ở mức 4/4 thường cao hơn so với 3 mức độ hở van tim còn lại. Ngoài ra, người bệnh hở van tim ở mức độ này còn có thể bị rối loạn nhịp tim, phù phổi, sốc tim...", bác sĩ Oanh nhấn mạnh.
Hở van tim có nguy hiểm không?
Bệnh hở van tim nói riêng, các bệnh lý tim mạch nói chung đều gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Những biến chứng phổ biến của bệnh hở van tim đa dạng, phổ biến là các biến chứng liên quan tới chức năng hoạt động của tim. Bên cạnh đó bệnh hở van tim cũng có thể làm suy giảm chức năng của nhiều cơ quan khác.
Suy tim: Đây là biến chứng thường gặp ở người bệnh hở van tim do tim phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp lượng máu bị thiếu hụt do tình trạng hở van tim. Lâu ngày, buồng tim bị giãn, dẫn đến suy tim.
Rối loạn nhịp tim: Đây là tình trạng nhịp tim đập bất thường, khi quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), nhịp tim không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm. Loạn nhịp tim là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử.
Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, biến chứng thường gặp ở hở van động mạch chủ, tình trạng này xảy ra do dòng máu phụt ngược từ động mạch chủ về thất trái, dễ gây tổn thương lớp nội mạc tim. Khu vực này lại là nơi vi khuẩn dễ dàng bám dính, gây nhiễm trùng hay áp-xe.
Tai biến mạch máu não: Người bệnh hở van tim gặp phải các biến chứng suy tim, giãn buồng tim, rối loạn nhịp tim sẽ tạo điều kiện hình thành các cục máu đông đi đến não, gây ra tai biến mạch máu não.
Do đó, bác sĩ Oanh lưu ý người bệnh cần tuân thủ điều trị, tái khám đúng hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh và can thiệp kịp thời.
Lê Nguyễn