Chị Nguyễn Thị Lan (50 tuổi) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng ho nhiều, khó thở. Một tuần trước nhập viện chị ho đờm trắng lượng ít kèm khó thở, ho nhiều khi nằm và ho nhiều vào ban đêm. Bệnh nhân tự mua thuốc ở nhà thuốc tây, uống kháng sinh liều cao vì nghĩ bị viêm phổi nhưng tình trạng ho khó thở ngày càng nhiều. Lúc nhập viện cấp cứu, các bác sĩ đánh giá hai chân bệnh nhân bị phù kèm ho khó thở do sung huyết phổi gây ra bởi suy tim. Bệnh nhân được điều trị lợi tiểu, giãn mạch và các điều trị đặc hiệu khác. Tình trạng sung huyết phổi của bệnh nhân cải thiện đáng kể, hết ho và khó thở mà không cần dùng bất cứ loại kháng sinh hay giảm ho nào.
Theo BS.CKI Dương Thị Nguyệt Anh, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tình trạng ho kéo dài của chị Lan xuất phát từ tình trạng suy tim. Khi suy tim, tim co bóp kém hiệu quả dẫn đến chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể bị ảnh hưởng. Tình trạng máu ứ ở tim, phổi, mô và cơ quan dẫn đến sung huyết và gây ho. Đối với những người bị ho do suy tim, nếu không tìm đúng nguyên nhân và điều trị đúng mục tiêu, cơn ho sẽ kéo dài gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng hồi phục sau này.
"Tim yếu khiến ứ dịch tại phổi. Điều này có thể gây ra khó thở khi gắng sức, khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở cả khi nghỉ ngơi hoặc khi nằm đầu thấp trên giường", bác sĩ Nguyệt Anh cho biết.
Các triệu chứng của một cơn ho do bệnh tim mạch bao gồm: ho khan hoặc ho kèm dịch nhầy, có thể hơi hồng do máu; thở khò khè nặng hoặc tiếng rít xảy ra khi thở, kèm theo ho; khó thở khi tham gia các hoạt động hoặc khi nằm xuống; khó thở kịch phát về đêm, thường xuyên thức giấc, trằn trọc; trào bọt hồng do dịch tích tụ trong phổi; ho khan lâu ngày không thuyên giảm dù được điều trị.
Bác sĩ Nguyệt Anh cũng lưu ý thêm, cơn ho do bệnh tim mạch có thể dễ bị nhầm với một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc dị ứng. Nguyên nhân phổ biến gây ho dai dẳng là hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Nhưng trong trường hợp tình trạng ho không cải thiện dù dùng nhiều phương pháp điều trị, bệnh nhân nên đi khám để được đánh giá có gặp do suy tim hay không và điều trị phù hợp.
Cách giảm triệu chứng suy tim
Bác sĩ Nguyệt Anh lưu ý, để giảm triệu chứng của suy tim, người bệnh có thể thử kết hợp các cách sau:
Duy trì sự cân bằng dịch: suy tim khiến tim gặp khó khăn trong việc bơm chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Mọi người có thể giảm lượng nước tiêu thụ dưới 2 lít mỗi ngày để giúp giảm khối lượng công việc của tim và ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.
Hạn chế ăn muối: bệnh nhân suy tim không dùng quá 1,5 g muối một ngày.
Theo dõi cân nặng: giữ cân nặng ổn định, ghi lại chỉ số cân nặng vào nhật ký để kiểm soát nguy cơ bệnh tim mạch.
Theo dõi các triệu chứng: người bệnh nên thăm khám bác sĩ nếu các triệu chứng tim mạch, huyết áp có xu hướng tiến triển xấu đi.
*Tên bệnh nhân đã thay đổi*
Anh Chi