Sau hai trận đấu khó khăn liên tiếp (hòa Philippines và thắng tối thiểu Myanmar), nhiều người hâm mộ Việt lên tiếng chê bai màn thể hiện của các cầu thủ U23 Việt Nam là thiếu thuyết phục. Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm này. Tại sao chúng ta không nhìn tổng thể cả chặng đường đã qua để đánh giá? Rõ ràng Việt Nam đang đứng đỉnh bảng, và chắc chắn tới 99% sẽ có mặt ở Bán kết SEA Games 31 với vị trí đầu bảng A - một thành tích đúng như kỳ vọng ban đầu. Đó là điều đáng mừng, đáng khen mới phải.
Hãy nhớ lại năm 2017, khi đó chúng ta có những cầu thủ được coi là "tài năng nhất lịch sử bóng đá Việt Nam" và một hiệu ứng Hoàng Anh Gia Lai rất mạnh mẽ. Thế rồi, chúng ta đã thi đấu bạc nhược như thế nào trong trận hòa với Indonesia? Rồi sau đó lại thua đau đớn ra sao trước U23 Thái Lan? Cuối cùng, chúng ta kết thúc với việc bị loại ngay từ vòng bảng ở giải đấu năm đó.
So sánh năm SEA Games năm 2017 với giải đấu năm nay, chúng ta thấy điều gì? Một đội U23 Việt Nam đang thi đấu dở tệ sao? Những đứa trẻ không có tư duy chơi bóng sao? Hay những cầu thủ không có kỹ thuật cá nhân sao? Tôi cho rằng, đó là những nhận định rất chủ quan của một bộ phận fan phong trào. Họ cứ bám vào những sai sót cá nhân để bắt lỗi, chê bai, mà quên một điều quan trọng nhất đó là kết quả cuối cùng - thứ còn quan trọng hơn cả diễn biến trên sân. Và xét về mặt kết quả, U23 Việt Nam bây giờ đang làm được điều mà lứa cầu thủ "tài năng" năm xưa không làm được.
Tất nhiên, ở đây, tôi không muốn đem các thế hệ cầu thủ khác nhau ra để so sánh ai hơn, ai kém. Tôi chỉ muốn nói rằng, thành công đến từ nhiều yếu tố, và chúng ta hiện tại quá khác biệt về vị thế so với trước đây. Năm 2017, trong mắt các đối thủ Indonesia, Philippines, Myanmar, họ chỉ coi chúng ta là một đội bóng hạng trung, cùng lắm là nhỉnh hơn một chút mà thôi, họ coi những cầu thủ tài năng tự phong của chúng ta (theo kiểu Messi Việt Nam, Ronaldo Việt Nam) chỉ là những đứa trẻ giỏi múa may trên sân.
>> U23 Việt Nam thắng trong hoài nghi thực lực
Còn ngày hôm nay, những "đứa trẻ" của thầy Park, dù vô danh, nhưng trong mắt chính các đối thủ, lại là những cầu thủ chất lượng cao, hơn về trình độ và tư duy đối với họ, buộc họ phải đá với tâm thế cửa dưới. Nói cách khác, Việt Nam giờ đã là một thế lực lớn ở bóng đá Đông Nam Á, luôn nắm thế cửa trên, sẵn sàng áp đặt và bắt mọi đối thủ trong khu vực phải đá tử thủ. Đó là một tín hiệu đáng mừng, đáng tự hào và ngợi khen.
Còn nói về việc thắng tối thiểu và hiệu suất ghi bàn không cao, tôi cho rằng không có gì quá bất thường. Khi kẻ yếu biết cách đá tử thủ thì đến Nhật Bản cũng phải chia điểm với Việt Nam. Vậy thì việc U23 Việt Nam chia điểm với Philippines hay thắng chật vật Myanmar cũng có gì ngạc nhiên?
Nhớ lại những năm 2017, 2019, chúng ta có áp đảo nổi Philippines hay Myanmar như hôm nay không? Chúng ta có khiến mọi đối thủ năm đó phải run sợ mà chấp nhận chơi phòng ngự tử thủ như bây giờ không? Đó chính là câu trả lời cho những hoài nghi: thực lực của U23 Việt Nam đang ở mức nào? Thứ chúng ta thấy, không cần phải là kết quả thắng tuyệt đối, thắng đậm, mà là vị thế của bóng đá nước nhà đã thay đổi quá lớn so với trước kia. Còn gì tự hào hơn thế nữa?
>> Bạn nghĩ sao về thực lực của U23 Việt Nam? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.