Khi HLV Troussier trả lời truyền thông sau kết quả bốc thăm chia bảng môn bóng đá nam tại SEA Games 32, ông đã nói rằng: "Bất luận kết quả bốc thăm và danh tính đối thủ, chúng tôi vẫn sẽ bước vào giải đấu với tư cách của đội đương kim vô địch, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ vị thế ấy". Nhưng thực tế, nhiều cổ động viên Việt Nam - vốn không có đủ kinh nghiệm và kiến thức trong công tác quản lý bóng đá - lại đặt ra không ít nghi ngờ, nhất là khi so sánh màn trình diễn của đội tuyển với đối thủ "truyền kiếp" Thái Lan tại giải giao hữu Doha Cup vào tháng 3 vừa qua.
Nhà vô địch SEA Games 31 đã không ghi nổi bàn nào trong thời gian thi đấu chính thức, để thua đậm trước hai đối thủ là UAE và Iraq. Thậm chí, đến trận đấu cuối cùng, chúng ta cũng không có nổi chiến thắng danh dự nào. Trong khi đó, người Thái thắng chủ nhà Qatar, hòa Saudi Arabia và xếp hạng 4 chung cuộc tại giải đấu. Một đội hình chỉ vài tháng trước còn khiến cho U23 Thái Lan khổ sở tại VCK U23 châu Á dù phân nửa đội hình bị ốm, mà nay kết quả đã khác xa một trời một vực, hẳn nhiên chuyện người hâm mộ nghi ngờ về chất lượng đội bóng âu cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng, trước khi đóng vai "luật sư bào chữa" cho HLV Troussier, tôi xin phép được nói về một câu chuyện ngoài lề. Nếu như ai là fan của các bộ truyện tranh Nhật Bản về thể thao, hẳn cái tên "Blue Lock" sẽ là một tập truyện gối đầu giường của họ. Câu chuyện là hành trình sàng lọc khắc nghiệt, có phần điên rồ của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản nhằm tìm ra tiền đạo "khát" bàn thắng nhất, thèm muốn chiến thắng đến mức đặt nó lên làm lý tưởng trong mọi lần xỏ giày ra sân. Có lẽ tỷ lệ chọi của dự án này sẽ làm nhiều người giật mình: 1 chọi 300. Tức là chỉ một người duy nhất được chọn trong số 300 người để tham gia dự án trở thành tiền đạo chủ lực của đội tuyển quốc gia Nhật Bản.
Có nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao tôi lại nhắc đến Blue Lock? Thực ra, dự án ấy, cách sàng lọc ấy cũng có đôi chút giống với những gì mà HLV Troussier đã làm để tìm ra 20 cái tên tốt nhất lên đường đến Campuchia lần này. Từ gần 70 cầu thủ ban đầu, BHL phải vừa loại bớt, vừa bổ sung, thậm chí cho cả đội trẻ và đội tuyển quốc gia tập chung sân, chung giờ với nhau, cốt chỉ để chọn ra 23 cái tên dự giải giao hữu Doha Cup. Sau giải đấu đó các cầu thủ lại về tập luyện ở Vũng Tàu, đá giao hữu, rồi lại phải rút gọn danh sách thêm hai lần trước khi ra sân đá trận đầu tiên với Lào.
Có phải HLV Troussier không theo dõi các giải đấu trong nước kỹ càng nên mới phải làm phức tạp như vậy? Không, thậm chí ông còn đến xem cả giải hạng Nhất, điều mà ống kính truyền hình hiếm khi bắt được ở các thời HLV trước của bóng đá Việt Nam.
>> Bóng đá Việt 'dự bị trời Tây'
Và tại Doha Cup, hai chữ "giao hữu" đã được thể hiện đúng với ý nghĩa của nó. Đó không phải một trận đấu giải tính vào thành tích chung của nền thể thao nước nhà, đó chỉ là những trận đấu mang ý nghĩa giao lưu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, không đặt nặng vấn đề thắng thua. Thế nên, HLV Troussier đã nhân cơ hội này để xem lối chơi kiểm soát bóng, phát triển bóng từ phần sân nhà và áp sát, giành lại bóng ngay trên phần sân đối phương mà mình định hướng cho các cầu thủ Việt Nam có thực sự khả thi không?
Kết quả rõ ràng là điều mà ông không quá quan tâm, như cách vị chiến lược gia này trả lời sau khi kết thúc trận đấu cuối cùng với Kyrgyzstan: "Tôi đã nói, để có được bài học lớn thì sẽ phải trả giá đắt. Xin được nhấn mạnh, U23 Việt Nam vẫn đang đi từng bước hướng đến SEA Games". Cuộc thử nghiệm ấy tuy không thành công về mặt kết quả, nhưng nó chính là món quà quý giá cho thế hệ cầu thủ bị hai năm Covid-19 làm chậm đà phát triển, không có cơ hội thi đấu ở trong nước cũng như các giải đấu quốc tế. Họ đã có một hành trang để ý thức được vị trí, khả năng của bản thân, sẵn sàng hướng tới tấm HCV thứ ba liên tiếp trên đất Campuchia.
Dường như các cổ động viên Việt Nam đang quá khắt khe, hoặc cũng có thể quá khâm phục chiến tích lẫy lừng trong quá khứ của HLV Park Hang-seo. Chúng ta đã quên mất rằng, tấm huy chương Vàng ở SEA Games trước vất vả, khó khăn và có phần thiếu thuyết phục đến nhường nào. Đúng là Việt Nam đã không thủng lưới bàn nào, nhưng cách tấn công của đội tuyển chúng ta khi ấy thiếu sức sống đến mức một số người hâm mộ còn cảm thấy bức bối.
Một đội hình sống dựa vào ba người "cận vệ già" bị Phillipines và suýt nữa là Myanmar cầm chân. Và những bàn thắng đến, tuy có mang lại cảm xúc bùng nổ tột độ như cách mà Công Vinh làm rung lưới Thái Lan năm 2008, nhưng cách đá đó không mang lại cảm giác an tâm, chắc thắng như tại SEA Games 30. Dẫu biết không thể nói chữ "nếu", nhưng thật sự nhìn cách đội tuyển "U23 cộng 3" khi ấy bí bách trước cả Đông Timor, liệu người hâm mộ có thể hài lòng khi vừa muốn thắng, lại còn muốn "thắng đẹp"?
Khi nhìn thấy sự bất mãn của cổ động viên dành cho đội tuyển sau trận gặp Lào ở SEA Games lần này, tôi chỉ nhớ lại những ngày tháng 5 ở Việt Trì và mỉm cười lướt qua những dòng cảm xúc tiêu cực ấy. Và sự tiến bộ chúng ta mong chờ các từ các cầu thủ đã đến, dần dần qua từng trận đấu. Trước Singapore, chúng ta giành bóng từ phần sân đối phương tốt hơn, tổ chức tấn công bài bản hơn và không bị ép sân như khi gặp Lào. Trận Malaysia, Việt Nam có hai bàn thắng ngay trong hiệp một và giữ được lợi thế dễ dàng, nhất là khi đối thủ mất hai người.
>> Bài học Thái Lan sẽ giúp đội tuyển Việt Nam hạ Indonesia
Nhưng có lẽ bất ngờ nhất chính là cái cách đội bóng của HLV Troussier đã chơi trận đấu sòng phẳng, cân bằng, đúng chất "siêu kinh điển Đông Nam Á" trước người Thái. Phát động tấn công chính xác từ phần sân nhà, tận dụng tình huống cố định dẫn đến bàn thắng, cướp bóng liên tục từ phần sân đối phương, bình tĩnh kéo dãn đội hình đối thủ chờ thời cơ xâm nhập vào vòng cấm hoặc ban bật nhanh... đó là một lối đá mang phong cách châu Âu rõ rệt. Chỉ tiếc rằng, Việt Nam không thể tận dụng tối đa các cơ hội để giành chiến thắng. Nhưng rõ ràng trận hòa này sẽ khiến nhiều người phải nghĩ lại về năng lực và khả năng chơi bóng của các tuyển thủ trẻ còn ít tên tuổi trong làng bóng đá nước nhà.
Ngọc Thắng gần như là cái tên vô danh trong mắt các cổ động viên nhưng có màn ra mắt đội tuyển U22 quá xuất sắc với những đường chuyền xuyên tuyến hiệu quả cùng sự chắc chắn trong khâu phòng ngự. Khuất Văn Khang khiến người ta nhớ lại hình ảnh Quang Hải với những quả đá phạt trực tiếp nguy hiểm. Trong khi đó, Văn Trường lại là niềm cảm hứng mới trên hàng công của đội bóng... Giờ đây, có lẽ không ai có thể nặng lời với những cầu thủ đáng tự hào này của bóng đá nước nhà. Ai có thể tự tin khẳng định đội tuyển U22 đã hết bài, hết thời, hết cửa đi tiếp? Ai dám nói rằng bóng đá Việt Nam thời hậu HLV Park sẽ không thể phát triển hơn được nữa?
Lại nói về cuộc chiến của HLV Troussier mà tôi nhắc đến ở đầu bài. Cuộc chiến ấy không chỉ là cho danh hiệu, vinh quang, mà đó còn là cuộc chiến để thay đổi tư duy, niềm tin và định kiến của nhiều cổ động viên Việt Nam – những người đa phần xem bóng đá bằng cảm xúc, nhưng lý trí chưa đủ vững vàng, chuyên môn không đủ sâu để phân tích, chỉ biết nhìn vào kết quả rồi lấy đó ra để châm chọc, chế giễu đội tuyển khi có thất bại. Cuộc chiến ấy đã tạm thành công khi chúng ta chơi hay vào thời điểm bị nghi ngờ nhiều nhất. Và tôi khẳng định rằng, nếu cứ đá thế này, chẳng người hâm mộ nào có thể bỏ về giữa trận như khi chúng ta đấu với Lào.
Mạng xã hội sẽ tạm yên bình trong hôm nay và ngày mai, trước khi chúng ta đối đầu với Indonesia ở bán kết. Mong rằng các cầu thủ sẽ tranh thủ khoảng thời gian này để ổn định tâm lý, hồi phục thể lực thật nhanh và sẵn sàng hướng tới cuộc đấu quan trọng vào ngày mai. Xin chúc HLV Troussier sẽ hoàn thành nhiệm vụ đưa đội tuyển Việt Nam vào chung kết và hoàn tất cuộc chiến thứ hai của mình thành công tốt đẹp!
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.