Chứng kiến màn trình diễn thiếu thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trong trận giao hữu giữa Việt Nam và Hong Kong mới đây, nhiều cổ động viên đã bỏ về sớm khi thời gian mới trôi qua phút 75. Rất nhiều lời chỉ trích sau đó đã được hướng về các cầu thủ, đặc biệt là HLV Philippe Troussier. Thậm chí, nhiều người không ngần ngại so sánh với ông Park Hang-seo, cho rằng đội tuyển đang có bước thụt lùi so với thời trước đó.
Tôi cho rằng, nếu đánh giá một cách khách quan, HLV Park chia tay bóng đá Việt Nam cũng một phần là do ông biết đây là giới hạn của cầu thủ Việt. Thực ra, ông Park thành công tại Việt Nam, phần lớn vì có lối chơi phù hợp để khai thác tối đa khả năng của cầu thủ Việt trong giới hạn của họ. Tất nhiên, khi đã đạt đến ngưỡng cao nhất, rất khó để có thể làm được gì hơn với bóng đá Việt Nam.
Thế nên, việc HLV Troussier thừa kế lứa cầu thủ hiện tại, cũng rất khó có thể kỳ vọng vào một điều gì đó khác biệt. Chúng ta muốn đội bóng mạnh thật sự và duy trì được phong độ liên tục thì cần đầu tư vào kỹ thuật cho cầu thủ trẻ, chọn những người giỏi nhất. Khi kỹ thuật và thể lực đạt chuẩn, thì tư duy chơi bóng mới quan trọng. Có tư duy thì cầu thủ mới biết chuyền, chọc khe, chạy chỗ, biết khi nào cần qua người, khi nào phải ra chân nhanh...
Phải đá thông minh, đột biến như vậy mới mong có bàn thắng. Còn hiện tại các cầu thủ của ta vẫn có kỹ thuật yếu, chuyền sai nhiều, đỡ banh văng xa cả mét, không đủ nhanh, kỹ thuật và tư duy tấn công phối hợp kém, khi để đội bạn quay kịp thời lui về thì lại lóng ngóng... Tất cả bắt nguồn từ kỹ thuật và thể lực căn bản của cầu thủ.
>> 'U22 Việt Nam đang chơi bóng theo phong cách châu Âu'
Nhiều người cứ nói gọi thầy Park quay lại dẫn dắt đội tuyển, nhưng tôi nghĩ ông đã tạo ra một phiên bản Việt Nam tốt nhất có thể rồi (lọt top 100). Còn muốn đội tuyển mạnh hơn và các thế hệ liên tục kế thừa, để người xem không thất vọng, thì bóng đá Việt Nam phải thay đổi từ gốc rễ, nghĩa là nhanh chóng đào tạo về kỹ thuật, thể lực và tư duy cho lứa trẻ, để 10-15 năm sau mới có trái ngọt. Chứ giờ có thay HLV tầm cỡ thế giới cũng không thể tạo nên kỳ tích khi mất căn bản.
Nói thêm về câu chuyện đào tạo trẻ, không biết bao giờ Việt Nam mới phát triển một cách chuyên nghiệp được? Giờ cầu thủ trẻ được ăn uống đầy đủ, có thể lực tốt hơn chút so với ngày xưa, nhưng vẫn còn thua xa mặt bằng chung trong khu vực. Ngoài ra, tư duy chơi bóng và kỹ thuật cá nhân chính là điểm yếu của cầu thủ Việt khiến chúng ta mãi không thể vươn lên ngang tầm các đội Tây Á, Đông Á.
Tôi để ý thấy cứ mỗi khi đội tuyển có một đợt phát bóng lên, các cầu thủ gần như không biết cách đỡ bóng sao cho bớt nảy, đẩy bóng làm sao để tạo đột biến. Đã ít các đường chuyền đột biến, khi có lại không tạo ra được bất ngờ, đỡ bóng kém để đội bạn quay về kịp và lại mất bóng. Nói chung, tư duy tấn công của chúng ta không có. Đây là thứ cần cải thiện đầu tiên nếu muốn thay đổi bộ mặt của đội tuyển.
Mong rằng các thế hệ sau này sẽ tập trung hơn vào đào tạo kỹ thuật căn bản như sút, chuyền, đỡ bóng, qua người... Khi nào mấy thứ đó ổn hết thì hẵng nói đến tư duy chơi bóng, tấn công sao cho hiệu quả... Hãy học cách tấn công của các nền bóng đá phát triển hiện tại, họ vừa đỡ và đẩy bóng, cơ hội đến là tạo ra một đợt tấn công nguy hiểm ngay, ghi bàn hay không chưa biết, nhưng chí ít nó tạo ra sự hào hứng cho người xem, người ta sẽ không tắt TV hay bỏ về sớm. Không làm được điều đó thì World Cup vẫn còn là một giấc mơ xa vời.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.