Như vậy là VFF đã đạt được các thỏa thuận cuối cùng với HLV Kim Sang-sik. Nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ đảm nhiệm cùng lúc đội U23 và đội tuyển quốc gia. CLB đầu tiên và duy nhất HLV sinh năm 1976 dẫn dắt là Jeonbuk Hyundai Motors, từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2023. Ông Kim Sang-sik cùng CLB vô địch và được bầu chọn là HLV hay nhất K-League 1 năm 2021, rồi lặp lại điều tương tự ở Cup FA Hàn Quốc 2022. Tuy nhiên, đầu năm 2023, Kim bị sa thải vì khởi đầu kém cỏi của Jeonbuk (thắng ba trong 10 trận).
Một điều mà nhiều NHM Việt Nam quan tâm lúc này là thời còn chơi bóng, ông Kim từng đá trung vệ, nhiều lần được gọi lên tuyển Hàn Quốc. Vậy liệu ông có từ bỏ lối đá kiểm soát bóng của ông Philippe Troussier và định hướng cho các đội tuyển Việt Nam chơi phòng thủ giống như thời HLV Park Hang-seo trước đó?
Cá nhân tôi cho rằng, điều quan trọng để ĐTQG đi đúng hướng là đừng chỉ vì một HLV từng thành công với lối đá phòng thủ và một HLV từng thất bại với lối đá kiểm soát bóng mà ảo tưởng rằng "phải đá thủ mới là vua". Thành công của một đội bóng được cấu thành từ 50% trình độ HLV và 50% chất lượng cầu thủ. Bản thân ngay ông Park ở giai đoạn sau, khi các cầu thủ trụ cột của đội tuyển phần nào đi xuống phong độ, cũng thể hiện sự đuối dần khi nắm tuyển dù vẫn giữ nguyên lối đá và chiến thuật như thời kỳ đỉnh cao.
Thế nên, NHM Việt đừng ảo tưởng khi tin rằng chỉ cần đá phòng thủ là sẽ trở nên vô đối như trước. Nếu chất lượng cầu thủ kém thì dù có đá đôi công hay tử thủ cũng vẫn thất bại vậy thôi. Đá phòng thủ như ông Park năm 2020 mà U23 Việt Nam vẫn bị loại đứng vị trí bét bảng đó thôi. Rõ ràng, có phải do ông Park không hay đâu, mà là trình độ của cầu thủ sa sút, chỉ đến vậy thì làm sao đòi hỏi thành tích phải trên đỉnh được? Khi đã mất đi 50% sức mạnh từ chất lượng cầu thủ không đạt yêu cầu thì dù HLV có xuất sắc đến mất, cộng thêm cả may mắn lắm cũng chỉ kéo đối thủ vào một kết quả hòa mà thôi.
Tất nhiên, không thể phủ nhận HLV Troussier đã thất bại với lối chơi kiểm soát bóng ở đội tuyển Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa là đá kiểm soát bóng là sai và sẽ luôn thất bại. Lối đá này là xu thế mà mọi nền bóng đá hiện đại trên thế giới đều đang hướng tới. Còn nếu cầu thủ dở, đỡ quả bóng còn không xong thì làm sao mà kiểm soát bóng thành công được. Kể cả có đá tử thủ thì với trình độ cầu thủ như thế cũng thất bại mà thôi.
Lấy một ví dụ cụ thể là trường hợp của Quang Hải. Thời trước, mỗi lần Hải cầm bóng thì gần như đội bạn rất khó lấy bóng, hở ra là có ngay pha kiến tạo, pha làm bàn, những khoảnh khắc tỏa sáng. Còn sau khi Hải từ Pháp về thì thế nào? Lúc ấy đội tuyển vẫn được dẫn dắt bởi ông Park, nhưng cầu thủ này thường xuyên mất bóng và chuyền hỏng, bị đối thủ vô hiệu hóa. Cầu thủ thuộc hàng số một Việt Nam đương đại còn vậy, chưa nói đến những trụ cột khác của đội tuyển cũng phong độ xuống dốc không phanh. Và kết quả là đến HLV Park cũng "lực bất tòng tâm" và phải rời ghế.
Ai hiểu biết một chút về kiến thức chuyên môn bóng đá sẽ biết, đá phòng thủ rất khó chứ không phải dễ, đòi hỏi cầu thủ phải có thể lực, kỹ năng xử lý bóng, sự lì lợm, khả năng chịu được áp lực cao. Chứ không phải cứ thủ là thắng chắc. Giờ có gọi lại HLV Park Hang-seo thì với những cầu thủ hiện có, chúng ta có đá thủ cỡ nào cũng vậy mà thôi. Thế nên, NHM cũng nên chấp nhận thực tế rằng chất lượng cầu thủ hiện giờ không còn như trước, có chửi bới, chỉ trích HLV, đòi thay tướng hết lần này đến lần khác thì cũng chẳng thay đổi được kết quả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Loay hoay tìm HLV 'có số má' cho đội tuyển Việt Nam
- 'Bóng đá Việt không thể tiến xa nếu chỉ mong thay tướng đổi vận'
- HLV Troussier quá tin vào những 'đứa trẻ' học thuộc lý thuyết
- 'Tuyển Việt Nam thua nhưng cầu thủ lên trình'
- 'Tuyển Việt Nam đừng từ bỏ đổi mới chỉ sau vài thất bại'
- Bóng đá Việt 'đẽo cày giữa đường' với lối chơi kiểm soát