Vậy là HLV Troussier đã ra đi vì những thành tích bết bát, "con thuyền" ĐTQG Việt Nam một lần nữa thiếu vắng người thuyền trưởng. VFF đang xúc tiến tìm một HLV mới để thay thế chiếc ghế trống ấy, nhưng ngay cả khi tìm được một HLV phù hợp và đem lại thành tích khả quan ban đầu, thì liệu những vấn đề của bóng đá Việt Nam có thể giải quyết được trong một sớm một chiều?
Có thể là không, vì hiện tại bóng đá nước nhà vẫn còn quá nhiều vấn đề. Đầu tiên, phải kể đến công tác đào tạo trẻ thiếu tính kế thừa và không còn sản sinh ra những cầu thủ chất lượng. Kể từ thời điểm của Nguyễn Quang Hải, Tuấn Anh, Văn Toàn, Công Phượng, Văn Hậu... nền bóng đá của chúng ta gần như chẳng có thêm một lứa đàn em đủ sức kế cận. Những cái tên như Thái Sơn, Minh Trọng, Văn Khang... phần nào đó đã thể hiện được mình, nhưng chất lượng chuyên môn vẫn không hơn được các đàn anh lúc ở cùng độ tuổi của họ.
Vậy công tác đào tạo trẻ phải chăng đã đi xuống quá nhiều? Hãy nhìn sang những lò đào tạo nổi tiếng nhất Việt Nam như: HAGL, Hà Nội, Đà Nẵng, SLNA... bao năm nay ngụp lặn thế nào? Ngay cả lò đào tạo PVF với cơ sở vật chất ở tầm khu vực, mà gần 5 năm qua cũng chẳng có một gương mặt nào nổi trội được trình làng. Rồi những giải đấu của các lứa trẻ, thử hỏi các cầu thủ lứa U ở các CLB mỗi năm đá được bao nhiêu trận?
Xây dựng bóng đá trẻ bền vững, có tính kế thừa và gối đầu, lứa sau phải nổi trội hơn lứa trước là một nhiệm vụ tiên quyết để có một nền bóng đá phát triển bền vững. Nếu không phải chuyên môn thì ít nhất lứa trẻ cũng phải tiến bộ hơn về mặt thể hình, thể lực. Nhưng đằng này, chứng kiến bóng đá Việt Nam hiện tại, lứa sau lại thấp bé, nhẹ cân hơn lứa đàn anh, vậy có gọi là kế thừa, phát triển?
>> 'HLV Troussier không may khi phải gánh giấc mơ hão huyền của bóng đá Việt'
Vấn đề thứ hai của bóng đá Việt chính là chất lượng của V-League. Giải đấu lớn nhất của chúng ta càng ngày càng thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự thay đổi, đột phá. Xem một trận cầu ở V-League ở bây giờ, đôi khi tôi thấy chất lượng chuyên môn còn tệ hơn những trận cầu đinh thời còn những cái tên như Gạch Đồng Tâm Long An, Becamex Bình Dương, SHB Đà Nẵng, Xi măng Hải Phòng... từng làm mưa làm gió một thời.
Thật éo le thay vì V-League bây giờ được đầu tư nhiều hơn trước đây không ít, nhưng vì sao lại thành ra như vậy? Có lẽ vì tính bản sắc địa phương của mỗi CLB không còn được gìn giữ nữa. Tình trạng một ông bầu nhiều đội bóng vẫn còn đó, khiến bản sắc địa phương đã bị mai một nhiều. Nhiều đội bóng tuy ra sân hôm nay nhưng ngày mai có thể giải thể bất cứ lúc nào (như Than Quảng Ninh một thời), hoặc thay tên đổi họ như đi chợ, lúc thế này lúc thế kia, thì lấy đâu ra thứ gọi là bản sắc, bền vững?
Chất lượng chuyên môn của V-League cũng chẳng hơn là bao, một phần do các CLB không chịu đầu tư, chăm sóc sân bãi – một điều kiện cơ bản cũng không đáp ứng được thì nói gì đến hai chữ "chuyên nghiệp". Bao năm nay, cứ đến đợt đội tuyển U23 tập trung thì V-League lại nghỉ cả tháng, khiến cho cả một hệ thống bóng đá phải ngừng lại để các cầu thủ trẻ (chưa chắc có nhiều đóng góp cho CLB) thi đấu. Vậy thì tính liên tục trong vận hành CLB ở đâu? Đây là những tư duy quá cũ kỹ mà nhìn sang các nước lân cận trong khu vực, chẳng ai đi theo lối mòn này cả?
Tóm lại, để một đội tuyển quốc gia có những nhân tố thực sự chất lượng để HLV trưởng có thể tùy nghi thi triển đấu pháp, bóng đá cần phải được xây dựng theo công thức: đào tạo trẻ có tính kế thừa + hệ thống CLB ngày càng chuyên nghiệp + hệ thống cơ sở vật chất được đảm bảo. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, cả ba yếu tố đó hiện nay ở ta đều có sự chững lại, thậm chí là đi xuống.
Bóng đá Việt Nam hiện tại vẫn còn quá nhiều vấn đề, nên việc thay đổi HLV chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết phần ngọn. Như HLV Park Hang-seo từng thành công chỉ ở một giai đoạn ngắn, và sau đó cũng không chọn gắn bó tiếp với bóng đá Việt Nam. Phải chăng chính ông cũng đã nhìn thấy trước được gốc rễ vấn đề?
Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng bất cứ ĐTQG nào cũng có lúc thịnh, lúc suy, ngay cả như Đức, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha... cũng đều có những năm tháng huy hoàng lẫn thất bại ê chề. Song sự thất bại của những nền bóng đá lớn này chủ yếu đến từ đấu pháp của HLV chứ không phải nằm ở vấn đề của cả một hệ thống bóng đá như ở ta. Hay ngay cả Thái Lan, bao năm nay cũng đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất và giải đấu Thai League, nên cho dù đã có nhiều năm trồi sụt trên bảng xếp hạng của FIFA, người Thái vẫn giữ được đẳng cấp của mình ở tầm châu lục.
Tôi cho rằng, đã đến lúc người Việt cần thay đổi trong cách làm bóng đá, đặc biệt là những người đứng đầu VFF. Mục tiêu hàng đầu phải là nâng tầm chất lượng V-League, thay đổi số lượng ngoại binh, tạo chính sách thông thoáng cho cầu thủ Việt kiều, quy định bắt buộc về tài chính với các đội tham dự V-League, chấm dứt tình trạng một nhà đầu tư nhiều đội bóng...
HLV Troussier đã thất bại với bóng đá Việt Nam. Đó là một thất bại chẳng thể bào chữa về mặt thành tích. Việc đem về một HLV giỏi và phù hợp có thể khiến bóng đá Việt Nam thành công trong nhất thời trong 5 năm hay 10 năm tới, nhưng chừng nào vẫn còn những tư duy cũ kỹ, vẫn còn hàng tá vấn đề chưa thể giải quyết, thì bóng đá Việt Nam vẫn sẽ mãi ngụp lặn trong "chiếc bánh vẽ" của chính mình mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.