Những ai tinh ý quan sát băng ghế huấn luyện của của hai đội tuyển Việt Nam và Indonesia trong hai trận đấu vừa qua hẳn sẽ thấy một hình ảnh lặp đi lặp lại: HLV Shin Tae Yong với bộ vest của mình đứng ra sát ngoài đường biên dọc, liên tục hò hét chỉ đạo cầu thủ của mình, thậm chí, ông còn hùng hổ lao vào để bảo vệ cầu thủ Indonesia khi họ bị phạm lỗi.
Còn phía bên cạnh, nơi khu vực dành cho đội tuyển Việt Nam, chỉ có những cái bóng áo xanh của các trợ lý chuyên môn đội tuyển, thỉnh thoảng có sự xuất hiện của trợ lý ngôn ngữ - người chạy ra để truyền đạt thông tin, còn HLV Troussier chỉ đứng lên, đi đi lại lại một lúc để nhắc nhở cầu thủ mới vào sân, rồi lại ngồi yên trên ghế, không một lần chạm đến gần thảm cỏ sân Mỹ Đình - chứ đừng nói là vừa đứng, vừa nói, vừa đưa ra những chỉ dẫn chiến thuật.
Những cử chỉ ấy dường như khiến chúng ta nhìn ra cái "sợ" và thậm chí là sự bất lực của ông thầy người Pháp trong cuộc đấu dài hơi này với Indonesia.
Khi câu chuyện 15-16 con người mặc áo xanh đến sân tập và sau đó là đội hình chính được lộ ra từ một ngày trước khi thi đấu, dường như nhiều người đã nhận ra sự bảo thủ của HLV Troussier. Ông có thay đổi so với trận đấu sân khách, nhưng sự thay đổi của ông hầu như chỉ xoay quanh một nhóm cầu thủ mà ông tin tưởng, và tin là họ có thể "thuộc bài" mà mình đề ra. Còn những cầu thủ còn lại (như Quang Hải) bị bỏ mặc, dù thế trận đang rất cần họ. Đơn giản, vì "họ không thuộc bài" của ông.
Rồi ngay trong sân, điều người hâm mộ kỳ vọng nhất là HLV trưởng đội tuyển có thể đường hoàng bước ra ngoài đường piste, dấn chân vào mặt cỏ và gào thét theo kiểu "Tài ơi, đứng đây đi", "Sơn ơi, cẩn thận vào"... Khi ở trên sân có quá nhiều cầu thủ non trẻ, thứ họ cần nhìn vào chính là nhìn vào HLV của mình, người đã đặt niềm tin vào họ, nhìn thấy ông thầy mạnh bạo, đứng ra khuyên bảo, dặn dò mình, cùng nhập tâm vào trận đấu với mình. Có như vậy, họ mới đủ vững tin để thi đấu, bởi phía niềm tin khi sau họ đã có người thầy làm điểm tựa.
Nhưng, ở trong những tình huống ngặt nghèo nhất ấy, "những đứa trẻ" của ông Troussier nhìn về phía BHL, và họ thấy... ông đang ngồi đó, thẫn thờ trao đổi với các trợ lý xung quanh. Họ nhìn về các anh lớn đang ngồi ngoài kia, và họ thấy Quang Hải tức giận, thất vọng vì không được vào sân. Khi ấy, sự sụp đổ là điều đã được dự báo từ trước.
>> 'Tuyển Việt Nam thua nhưng cầu thủ lên trình'
Chiến thuật, lối chơi... có thể là những gì đó tốt đẹp trên lý thuyết, hay trong những trận đấu đẹp mắt trên những ván game online. Nhưng, khi bước vào những cuộc chiến đời thực như thế này, đôi khi, chiến thuật hay lối chơi không còn quan trọng nữa. Thứ cần làm đó là bồi đắp cho các cầu thủ một tâm lý vững vàng, một tinh thần thoải mái để họ bước vào sân với nụ cười nở trên môi và những đôi chân không còn nặng trĩu.
Muốn có tâm lý vững, hãy nhớ rằng có những giá trị xưa cũ vẫn còn đó, với cả trăm trận thực chiến đã qua, ít nhất, đôi chân của họ cũng không "cóng" hay bị nặng nề bởi những sai lầm như bây giờ. Đình Bắc có hơn 60 phút thể hiện, nhưng không thể so sánh được với một Văn Toàn đầy đột biến trên sân chỉ trong hơn 30 phút có mặt ở hiệp hai. Trước đó là Minh Trọng hay Tuấn Tài - vị trí mà lẽ ra Thành Chung, Lê Ngọc Bảo - những người có kinh nghiệm hơn hoàn toàn có thể làm chỗ dựa cho họ. Việc để các bạn trẻ ra đối đầu với một đối thủ mà chỉ năm ngày trước, đã khiến họ đã mắc sai lầm để rồi thua trận đấu bản lề, đó là một sai lầm không thể bào chữa của người HLV trưởng.
Chỉ tiếc rằng, nỗi sợ vô hình đeo đuổi ông Troussier đã khiến ông thất bại toàn tập, và lại khiến những cầu thủ trẻ của đội tuyển Việt Nam phải chịu liên tiếp những sai sót mà lẽ ra họ có thể tránh đi nếu có những đàn anh cùng vị trí vào thay thế, hoặc chỉ bảo cho họ. Hoặc ít ra, nếu như những anh lớn có sai thật, thì ông cũng đã dũng cảm thử họ để biết, để chỉ ra cho chúng ta thấy cầu thủ của mình đã đến ngưỡng rồi. Thà như thế còn tốt hơn chuyện khư khư "những đứa trẻ" học thuộc lý thuyết nhưng chỉ đạt 2-3 điểm thực hành.
Ông Troussier có thể dũng cảm vì đến Việt Nam thay thế ông Park. Nhưng ông lại sợ dùng đến những cái cũ đã khẳng định được giá trị khi mà những giá trị mới của ông còn chưa thiết lập được thành hình thành nét. Khi mà cách bắt đầu đã sai, thật khó để hy vọng vào cái kết có hậu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.