Nói đến thứ bóng đá hào hoa, thiên về kiểm soát bóng, từ xưa, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Rumani... luôn là những đội bóng nổi tiếng nhất. Thế nhưng, Italy, Tây Ban Nha, Đức mới là những đội xếp chiếu trên từ nhiều thời kỳ với những lối chơi mang đậm bản sắc thực dụng của họ. Ở đây, tôi không nói lối chơi nào đáng xem, đáng ca tụng hơn, mà quan trọng là lối chơi đó có phù hợp với lực lượng mà họ đang có hay không? Nếu phù hợp và hiệu quả cao thì chắc chắn lối chơi nào cũng đáng xem cả.
Trước đây, tôi cực kỳ yêu mến CLB Hoàng Anh Gia Lai bởi sự tươi mới, trong sáng và quân tử của họ. Thế nhưng, lối chơi tấn công của họ đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả, chỉ vì năng lực cầu thủ có hạn. Nếu Bầu Đức tỉnh táo hơn, để các HLV được xây dựng lối chơi phù hợp với khả năng của cầu thủ, mang về các cầu thủ và HLV thực dụng hơn để cân bằng trong lối chơi thì tôi tin họ đã không lãng phí một vài lứa cầu thủ được đầu tư bài bản như thế.
Dù được đầu tư bài bản, nhưng cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai chỉ phát triển đến một mức độ nào đó. Việc cần làm là phải giúp họ chơi thực dụng hơn để bù đắp lại sự hạn chế, chứ không phải ép họ đá đẹp theo kiểu "châu chấu đá xe", hay "đánh nhau với cối xay gió", để rồi chính bản thân cầu thủ cũng phải đau thương vì thất bại quá nhiều so với mong đợi của bản thân họ, và cuối cùng là mất đi cả tuổi thanh xuân để theo đuổi những điều ảo tưởng.
Trong bóng đá, đơn giản mà hiệu quả, nhanh mà mạnh và chính xác mới thực sự là điều khó nhất, và là thứ bóng đá đỉnh cao, dù những người thích sự hoa mỹ có thể không đồng ý với quan điểm này. Tôi nói điều đó với tư cách là một cầu thủ bóng đá phong trào từng có rất nhiều pha bóng lắt léo, hoa mỹ và hiệu quả trong thời sinh viên và các sân phủi ở Hà Nội.
>> Bóng đá Thái Lan tiến, Việt Nam lùi
Trở lại với câu chuyện của đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Philippe Troussier sau thất bại ở Asian Cup 2023. Nhiều người cho rằng ủng hộ cuộc cách mạng lối chơi của ông thầy người Pháp khi cho rằng đội tuyển Việt Nam muốn tiến xa phải chơi bóng áp đặt, họ nghĩ kiểm soát bóng mới là lối chơi hiện đại, làm nên thành công. Tôi không đồng tình với quan điểm đó.
Thử hỏi, khi gặp một đối thủ mạnh hơn, nhanh hơn, giỏi hơn nhiều mặt thì chúng ta giữ bóng bằng niềm tin sao? Hay kiểm soát bóng nhiều nghĩa là cứ chuyền qua chuyền lại khoảng 5-7 lần ở phần sân nhà rồi cũng một lần bị cướp bóng, đưa thủ môn đội nhà nhanh chóng vào thế phải đối mặt với cầu thủ đối phương. Một trận đấu đỉnh cao, chỉ cần một vài lần như thế thì chúng ta chỉ có ôm hận. Kiểm soát bóng mà chỉ chuyền qua lại trên sân nhà thì cơ hội ở đâu ra để nghĩ tới ghi bàn và giành chiến thắng?
Tại sao Việt Nam chọc thủng lưới được cả Nhật Bản và Iraq? Tôi cho rằng không phải vì lối đá kiểm soát bóng của HLV Troussier phát huy tác dụng mà phần lớn vì họ chủ động đá theo kiểu dưỡng sức. Họ cũng là những người đi theo trường phái kiểm soát bóng, nhưng cầu thủ của họ học theo Tây Ban Nha, Brazil còn được vì họ có trình độ. Còn nhìn sang cầu thủ Việt Nam hiện tại thì sao, chúng ta có tố chất gì để đòi học theo những cường quốc bóng đá đó? Đừng bắt học sinh bình thường phải học trường chuyên, lớp chọn.
Ngay cả khi gặp một đối thủ yếu hơn nhiều nhưng đá hết sức như Indonesia, những yếu kém của đội tuyển Việt Nam mới thực sự lộ rõ. Nếu với các đối thủ như Nhật Bản, Iraq chúng ta có thể đổi lỗi thất bại cho việc chênh lệch về đẳng cấp nên không thể triển khai lối đá kiểm soát bóng, thì trước một Indonesia luôn bị đánh giá thấp hơn, hãy xem các cầu thủ Việt Nam làm được gì? Chúng ta có thể chuyền qua chuyền lại được ở nửa sân đối phương hay không? Dĩ nhiên là cả trận chúng ta cũng có được vài lần làm được, nhưng như thế không thể được tính là kiểm soát bóng được.
Tóm lại, lối chơi nào cũng là hiện đại, cũng đều có thể đạt được hiệu quả và thành công, nếu lối chơi đó thực sự phù hợp với những cầu thủ mà chúng ta đang có. Nếu cứ cố chấp theo kiểu "thấy người ta ăn khoai lại vác mai đi đào" thì sẽ cả đời "đẽo cày giữa đường" mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.