"Thay HLV trưởng thực ra chỉ là phần ngọn của mớ bòng bong ở đội tuyển Việt Nam mà thôi. Tôi tin rằng, đó không phải là cách có thể giải quyết được triệt để những vấn đề của đội tuyển. Nhìn một cách khách quan, đa phần cầu thủ Việt đều có thể hình thấp bé, mỏng cơm, vậy họ lấy gì để có thể cạnh tranh được với những đối thủ cao lớn tại sân chơi World Cup?
Những Văn Toàn, Quang Hải, Khuất Văn Khang, Xuân Mạnh, Đình Bắc, Hùng Dũng... dù có kỹ thuật cá nhân đến đâu thì cũng đều thuộc típ cầu thủ nhỏ con, không thể tranh chấp bóng chứ nói gì đến triển khai bóng. Trong khi đó, nhìn sang Indonesia bây giờ, họ không ngần ngại nhập tịch những cầu thủ ngoại cao hơn, dày người hơn. Đơn giản vì họ nhìn ra điểm yếu cố hữu ở thể hình của người Đông Nam Á, nên phải khắc phục trước khi nghĩ đến những chuyện xa hơn.
Tóm lại, nếu chúng ta vẫn cứ trông chờ vào một dàn cầu thủ thấp bé, nhẹ cân như hiện nay rồi mơ mộng vào một tấm vé dự World Cup thì chắc chắn sẽ không có cửa để thắng các đối thủ lớn của châu lục như trước đây (khi Việt Nam còn là một ẩn số và các đội bóng mạnh chủ quan, không phòng bị). Người Việt phải nhìn vào thực tế để xác định rằng, thể hình cầu thủ kém thì làm sao có thể chống bóng bổng, tì đè kiểu gì, đua sức thế nào với các đội bóng khác? Vậy chỉ thay HLV có thể giải quyết được vấn đề này không?".
Đó là quan điểm của độc giả Tuanhung khi VFF quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Troussier hai tiếng sau khi đội tuyển Việt Nam thua Indonesia 0-3 trên sân nhà Mỹ Đình thuộc Vòng loại hai World Cup 2026 - khu vực châu Á. Đây là thất bại thứ 10 của đội tuyển dưới sự dẫn dắt của ông thầy người Pháp trong tổng số 14 trận đấu sau "kỷ nguyên Park Hang-seo". Sự lao dốc liên tục của bóng đá Việt Nam hơn một năm qua cũng đặt ra nhiều hoài nghi về năng lực của HLV Troussier. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, ông đang "phá nát" nền bóng đá nước nhà.
>> HLV Troussier quá tin vào những 'đứa trẻ' học thuộc lý thuyết
Tuy nhiên, liệu HLV Troussier có phải là nguyên nhân duy nhất khiến đội tuyển liên tục thất bại? bạn đọc Nguyen Nam cho rằng: "Bạn không thể nói với công ty của mình rằng tôi năng lực chỉ đến thế nên không thể làm việc nhanh, việc khó như công ty đòi hỏi. Tương tự với đội tuyển Việt Nam, khi các đội khác trong khu vực đã lên trình tới cấp ba mà chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ ở cấp một, thì việc thất bại ê chề là điều đương nhiên.
Ở đội tuyển bây giờ, các cầu thủ cũ đều xuống phong độ, trong khi những cầu thủ mới có thể đá nhanh được, nhưng kinh nghiệm lại thiếu và còn quá non nớt ở sân chơi lớn. Các vị trí trên sân đều không giữ được bóng, không thể tranh chấp tay đôi, không đủ thể lực, tốc độ để giữ được đội hình khi tấn công và phòng thủ... Với những con người như vậy, tôi nghĩ có tới 10 ông Troussier cũng phải bó tay chịu thua.
Thái Lan mất 20 năm để đạt được đến vị trí số một Đông Nam Á, Indonesia cũng mất bao nhiêu năm thua lên, thua xuống, mới được như ngày hôm nay. Còn Việt nam đã là gì, đang có gì trong tay, mà đòi gặp đội nào cũng phải thắng. Phải chăng chúng ta đang quá ảo tưởng vào sức mạnh của bản thân sau những năm tháng thăng hoa. Đã đến lúc bóng đá Việt phải đập đi xây lại từ đầu, chứ lúa chưa chín mà cứ đòi gặt ngay thì chỉ có nát".
Nhấn mạnh sức mạnh của một đội tuyển quốc gia không thể chỉ dựa vào HLV trưởng, độc giả Phan Phong Chào phân tích: "Tôi tin thất bại này của bóng đá Việt Nam không phải do một cá nhân cụ thể nào cả, mà ở đây là lỗi của cả một hệ thống, từ trên xuống dưới.
1. Lỗi của VFF vì đã không chịu mở rộng quy mô tuyển mộ các HLV chất lượng, phù hợp với yếu tố con người của bóng đá nước nhà.
2. Lỗi từ cách làm của ban tổ chức V-League khi chúng ta cứ tưởng rằng mình có một giải Vô địch quốc gia hấp dẫn, có chất lượng chuyên môn cao, nhưng thực tế lại không phải vậy. Tất cả những gì chúng ta có là một giải đấu thiếu tính cạnh tranh, ăn xổi, trọng cầu thủ ngoại, đầy bạo lực và không có tính kế thừa.
3. Tất nhiên, không thể phủ nhận một phần lỗi của HLV Troussier khi triết lý của ông hoàn toàn không phù hợp với những cầu thủ hiện có của bóng đá Việt.
Tóm lại, bất cứ một đội bóng nào cũng luôn có lúc thịnh, lúc suy, nhưng việc VFF đặt niềm tin và phó thác hoàn toàn tương lai của cả một nền bóng đá cho một huấn luyện viên, còn người hâm mộ kỳ vọng quá mức vào thành công của đội tuyển, là chúng ta đã sai ngay từ khi bắt đầu.
Nhìn thực tế, sau thời ông Park, đa phần các cầu thủ trụ cột của đội tuyển đều đã xuống phong độ. Thế nên, dù có cắt ghép thế nào thì ông Troussier cũng không thể giải được bài toán khó này. Nên nhớ, thành công của bóng đá Việt thời ông Park là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố: một thế hệ cầu thủ đạt độ chín và phong độ đang đạt đỉnh, trong khi các đội bóng trong khu vực ĐNA đang khủng hoảng và đi xuống. Còn bây giờ, trong lúc chúng ta đang loay hoay, mất phương hướng để tìm lại chính mình, thì các đối thủ đang đi lên và ngày càng vào phom nhờ định hướng đúng đắn.
Điều cuối cùng mà tôi muốn nói với tư cách là một người hâm mộ chân chính, đó là dù đội tuyển của chúng ta có thất bại ra sao, thì tôi cũng không bao giờ quay lưng với toàn đội cả. Mọi chuyện đã qua, tốt nhất cứ để lại sau lưng để bước tiếp. Chúng ta có thể không vui vì cuộc tình ngắn ngủi giữa đội bóng và HLV Troussier không có cái kết đẹp, nhưng chắc chắn bóng đá Việt Nam sẽ tìm được một huấn luyện viên phù hợp hơn. Quan trọng là chúng ta nhận ra những sai lầm trong hệ thống của mình để không lặp lại một lần nữa trong tương lai".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.