Có lẽ tôi là một người đi ngược lại số đông cổ động viên Việt Nam khi luôn ủng hộ HLV Troussier cải tổ bóng đá nước nhà. Tôi cho rằng, đội tuyển của chúng ta có thể thua thêm một vài trận nữa cũng được, miễn sao các cầu thủ không từ bỏ những thay đổi thời gian qua. Kiên trì với những định hướng đã vạch ra, trải qua một vài thất bại ban đầu, tôi tin kỹ thuật và tư duy chiến thuật của cầu thủ Việt sẽ sớm được nâng cao. Bản thân tôi vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ này sẽ rất ưu tú trong tương lai không xa.
Trở lại trận đấu với Indonesia, rất nhiều người chỉ nhìn vào kết quả rồi buông lời chỉ trích thậm tệ. Họ không nhìn ra một thực tế là kỹ thuật của các cầu thủ trẻ đã được nâng tầm rất nhiều so với cách đây vài tháng, đặc biệt là khả năng phối hợp ngắn và đỡ bóng bước một. Trước đây, thời HLV Park Hang-seo, những cầu thủ của chúng ta ngoài số ít có kỹ thuật cá nhân ra thì những Tiến Linh, Đức Chinh, Văn Thanh... mỗi khi đỡ bước một đều để bóng văng xa 4-5 mét hoặc bay lên trời. Những nhìn các cầu thủ bây giờ chơi bóng, sự tiến bộ là điều thấy rõ.
Ở đây, chúng ta cần phải chấp nhận những thất bại để biết mình yếu ở đâu, cần cải thiện gì để hoàn thiện và tiến xa hơn. Chứ nếu cứ đá an toàn, thắng một cách thực dụng để rồi ngủ quên trên thành công thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nhiều người muốn thay HLV Troussier ngay vì họ muốn một thứ bóng đá chiến thắng liên tục.
Để thắng hay ít nhất là cầm hòa Indonesia bằng lối đá phòng ngự phản công như trước giờ, tôi nghĩ không khó. Nhưng rồi sau những trận thắng đó chúng ta được gì, nhất là khi ra các đấu trường lớn hơn ở cấp độ châu lục? Lối chơi phòng ngự có thể giúp tuyển Việt Nam xưng bá ở "ao làng" chứ không phải thứ vũ khí đủ sắc bén để mang ra biển lớn.
>> 'Tuyển Việt Nam đừng từ bỏ đổi mới chỉ sau vài thất bại'
Cái ông Troussier và đội ngũ của mình muốn là giúp cầu thủ Việt có thể chơi bóng bằng cách khác, sử dụng kỹ thuật và lối đá tập trung hơn vào phối hợp, kiểm soát bóng. Đó là lối chơi phù hợp với xu thế của bóng đá hiện đại, có thể giúp đội bóng của chúng ta vươn xa hơn trong tương lai.
Cá nhân tôi cho rằng, thua đâu có nghĩa là không tốt. Ai cũng biết, bất cứ sự thay đổi nào cũng đều khó khăn, và thất bại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng là một CĐV bóng đá Việt Nam, tôi không hề trách HLV Troussier hay các cầu thủ trẻ, vì tôi biết đây là thời gian để thử thách bản lĩnh của họ. Thậm chí, đánh giá một cách công bằng, tôi nghĩ trận thua vừa qua là một trận hay của đội tuyển. Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng để đánh giá cả một quá trình thì tôi nghĩ bạn sẽ không cùng suy nghĩ như vậy.
Tôi phải cảm ơn ông thầy người Pháp vì đã tiên phong với lối đá tiến bộ hơn để thay đổi tư duy bảo thủ của người Việt về việc phòng ngự như từ trước tới giờ. Chúng ta có thể thắng liên tục hiện tại bằng lối đá phòng ngự ấy do các đối thủ bị bất ngờ, nhưng sẽ được bao lâu? Khi các đối thủ đọc được bài, tìm ra cách khắc chế lối chơi khó chịu ấy, chúng ta sẽ biết vùng lên thế nào để thay đổi cục diện khi mà chỉ quen với việc phòng thủ thay vì phối hợp tấn công?
Tóm lại, ông Troussier giờ chỉ như một người đang phải "đứng mũi chịu sào", nhận hết những lời chỉ trích của cổ động viên, thứ lẽ ra nên hướng về phía những người làm bóng đá Việt trong suốt hàng chục năm qua. Nhưng dù sao, là một người hâm mộ bóng đá Việt Nam, tôi vẫn mong dù đội nhà có thắng hay thua, ai lên làm HLV đi nữa, thì chúng ta nên cổ vũ hết mình, kề vai sát cánh với đội tuyển chứ đừng "thắng thì tung hô, thua lại đạp đổ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.