"Đi tìm HLV trước hết chúng ta phải tự nghĩ về mình cái đã. Lối chơi nào là phù hợp với thể chất của người Việt? Tư duy cần có là gì? Dựa vào nền tảng nào để phát triển bóng đá Việt Nam? Người Nhật đã phải đầu tư rất nhiều công sức để tìm ra một triết lý bóng đá phù hợp với con người của họ. Họ áp dụng triết lý đó ngay từ lớp mầm non.
Còn các HLV chỉ là người triển khai và nâng cấp lối chơi theo triết lý sẵn có đó. Nhờ sự kiên trì bền bỉ mấy chục năm, người Nhật mới có nền bóng đá như ngày nay. Việt Nam bây giờ còn chưa định hình được bản sắc, cá tính của nền bóng đá thì tìm HLV rốt cuộc vẫn là chuyện hên xui, như ông Troussier là một ví dụ.
Chỉ khi đã có ý tưởng rõ ràng về nền bóng đá thì chúng ta mới nên bỏ thời gian tìm hiểu các HLV ứng viên, nghiên cứu số liệu, xem băng, phỏng vấn để đánh giá cách tư duy và phương pháp huấn luyện của họ để tìm người phù hợp nhất với triết lý mình đã đề ra. Chứ còn nếu cứ ngồi một chỗ đọc báo, xem số liệu rồi mong tìm được một HLV có số má thì mãi mãi chúng ta vẫn thất bại".
Đó là quan điểm của độc giả Fool về việc tìm kiếm vị trí HLV trưởng tiếp theo của đội tuyển Việt Nam. "Chọn HLV giỏi, phù hợp văn hóa, cầu thị" là những tiêu chí hàng đầu được VFF đưa ra để tìm người thay thế ông Troussier ngồi vào chiếc ghế "nóng" của đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta không lặp lại những sai lầm trong quá khư khi lựa chọn HLV trưởng cho các đội tuyển?
Bạn đọc Hainguyenminh bình luận: "Chỉ có một HLV hiểu được 'văn hóa đại kình địch' thì mới có thể giúp đội tuyển Việt Nam đi lên. Trên thế giới có rất nhiều trường hợp như vậy, điển hình như Man City và Man Utd, Real Madrid và Barca, Boca Junior và River Plate... hay thậm chí cả đội tuyển quốc gia như Brazil và Argentina, Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam và Thái Lan... Khi gặp các đội bóng đại kình địch, khán giả chỉ muốn đội nhà thắng và HLV phải biết truyền ngọn lửa chiến thắng đó vào trong mỗi cầu thủ bằng tất cả khả năng của mình.
Barca có thể thua một đội xếp cuối bảng xếp hạng nhưng khi gặp Real Madrid thì sẽ như một trận sinh tử. Đức, Argentina có thể thua những đội bóng nhỏ hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Arab Saudi nhưng khi gặp các đối thủ đại kình địch, các cầu thủ không bao giờ có chữ 'thua' trong đầu vì họ hiểu hơn ai hết rằng người hâm mộ muốn thắng.
Tương tự, Việt Nam có thể thua Malaysia, Singapore, Myanmar nhưng khi gặp Thái Lan hay Indonesia thì sẽ phải một trận sống chết. Chỉ có chiến thắng mới làm người hâm mộ phấn khích tột cùng. Đây là 'văn hóa đại kình địch' mà HLV nào tiếp theo cũng phải luôn giữ trong tim khi ngồi trên ghế huấn luyện đội tuyển Việt Nam".
>> 'Bóng đá Việt không thể tiến xa nếu chỉ mong thay tướng đổi vận'
Nhìn nhận từ góc độ quản lý, độc giả Đặng Đại Đội lại cho rằng: "Đầu tiên và cần thiết nhất đó VFF phải bỏ ngay thói quen rất nghiệp dư từ bao nhiêu năm nay: cho HLV đội tuyển quốc gia kiêm nhiệm đội trẻ U23. Không có một nền bóng đá phát triển nào lại đi theo mô hình này.
Đội tuyển quốc gia là để chiến đấu vì màu cờ sắc áo, vì thành tích và là bộ mặt của cả một nền bóng đá. Trong khi đó, các đội U23, U19... chỉ là các đội trẻ, nhằm mục đích thử nghiệm, rèn giũa các tài năng mới để bổ sung cho đội tuyển quốc gia.
Do đó, HLV đội tuyển trẻ thì có thể kiêm nhiệm bao nhiêu vị trí cũng được, nhưng HLV trưởng ĐTQG thì chỉ có một nhiệm vụ duy nhất trên tuyển mà thôi. Bao năm nay, do cái mô hình kiêm nhiệm này mà lúc nào bóng đá Việt Nam cũng nhập nhằng giữa U23 và ĐTQG, dẫn đến nhiều trường hợp đội trẻ U23 còn được coi trọng hơn ĐTQG".
Nói về tiêu chí lựa chọn HLV phù hợp cho đội tuyển quốc gia, bạn đọc Đinh Văn Hậu nhấn mạnh: "Thất bại của bóng đá Việt Nam có lẽ đến từ hai vấn đề chính. Thứ nhất là huấn luyện viên có triết lý chơi bóng không phù hợp với thể hình, thể lực của cầu thủ Việt. Ai cũng biết cầu thủ của ta thuộc hàng nhỏ con, thể hình, thể lực đều kém (thứ này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình rèn luyện và bổ sung dinh dưỡng ở CLB và đội tuyển). Do đó, chúng ta rất cần có một chuyên gia giỏi về dinh dưỡng để cải thiện thể chất cho cầu thủ.
Chúng ta cũng chưa phải là một đội bóng mạnh ở khu vực, nên triết lý bóng đá áp đặt lối chơi có lẽ không phù hợp. Cá nhân tôi thích lối chơi phòng ngự phản công như thời ông Park hơn (luôn đặt mình vào thế cửa dưới, đá cò cưa và rồi kết liễu đối thủ bằng đòn phản công sắc bén). Và các HLV kế nhiệm cũng nên học hỏi từ lối đá này để phát huy tối đa khả năng của cầu thủ Việt.
Thứ hai, thế hệ được gọi là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam sau khi có được vài danh hiệu đã có dấu hiệu tự mãn và đánh mất phong độ không phanh. Bởi thế, tôi nghĩ HLV mới cần chấp nhận loại những cầu thủ đó và tìm kiếm những nhân sự mới. Chúng ta không thể cứ mãi trông chờ vào một lứa cầu thủ mà bỏ qua việc tìm kiếm lớp kế cận.
Và quan trọng nhất là những nhà quản lý bóng đá một khi đã giao trách nhiệm cho huấn luyện viên thì đừng can thiệp sâu vào công việc của họ. Hãy để họ tự quyết định và chịu trách nhiệm cho những gì mình làm".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.