Suốt 9 năm ròng chữa trị, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hiến (sinh năm 1981 tại Hải Dương) và chị Đoàn Thị Thúy (sinh năm 1988 tại Hải Dương) từng muốn buông xuôi. Nhưng sau mỗi lần thất bại, chính khao khát làm cha mẹ lại trở thành nguồn động lực lớn lao, vực họ bước tiếp trên hành trình này.
Để có được con, chị Thúy đã phải vào Nam ra Bắc, uống đủ loại thuốc, trải qua bao đau đớn, đắng cay. Gần một thập kỷ dài đằng đẵng, hành trình tìm con của anh Hiến và chị Thúy khép lại với kết quả là một bé gái rất lanh lợi và kháu khỉnh. Hơn 4 tháng từ ngày bé Hà Mi ra đời, từng ấy thời gian gia đình chị Thúy sống trong niềm hạnh phúc không thể nào đong đếm.
Khó khăn nhất là cầm que thử thai
"Gặp con người này thì tranh thủ thơm một cái, gặp cháu người kia thì cũng đến cưng nựng cho đỡ thèm" - lời tâm sự đầy xót xa của chị Thúy khi được hỏi về hành trình tìm con. Cưới nhau năm 2009, nhưng đến tận 8 năm sau đó, trước khi 2 vợ chồng quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), gia đình anh chị vẫn chưa thể trọn vẹn bởi thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ.
Khoảng thời gian ấy quá khó khăn, đến tận bây giờ đây khi nhắc lại, ánh mắt chị vẫn ánh lên nỗi buồn: "Cưới nhau, vợ chồng tôi xác định sẽ có con ngay nên ban đầu cũng hào hứng lắm, nhưng đợi mãi mà chẳng thấy. Có nhiều hôm họp lớp gặp bạn bè đồng trang lứa, có người còn lấy chồng sau mình mà tay bồng tay bế, vợ chồng con cái đông đủ cả, riêng có mỗi mình vẫn lủi thủi. Tủi thân lắm chứ! Khó khăn nhất là cầm que thử em ạ. Cứ nhìn 1 vạch mãi chắc mình quên số 2 luôn mất".
Chắc hẳn những ai đã trải qua cảnh ngộ hiếm muộn mới thật sự hiểu được nỗi thất vọng ấy của chị Thúy. 8 năm mong chờ là 8 năm chị phải đối diện với hàng nghìn câu hỏi đến từ bạn bè, họ hàng. Họ cứ thắc mắc vì sao đã 8 năm rồi, vợ chồng chị vẫn chưa có con, vì sao không đẻ được... mà đâu biết đó cũng là những câu hỏi đang dằn vặt chị Thúy mỗi đêm, mỗi ngày.
"Chồng tôi thì không nói gì đâu, nhưng 2 bên nội ngoại ông bà lớn tuổi nên mong cháu, cứ hỏi mãi. Họ hàng cũng vậy, thành ra tôi áp lực lắm, không biết phải nói ra như thế nào, sợ gặp mặt mọi người luôn. Tôi rất mong có con, nhưng không biết phải làm sao, tôi và chồng đã cố gắng làm mọi thứ có thể rồi", chị tâm sự.
Tưởng đi được đến đích, thật ra chỉ mới bắt đầu hành trình
"Ban đầu, vợ chồng tôi cũng để tự nhiên thôi. Thả trong vòng một năm thấy con vẫn chưa về, tôi quyết định tự đi kiếm. Đến khám tại một bệnh viện ở Hà Nội, tôi được chẩn đoán mắc bệnh tắc ống dẫn trứng. Có bệnh phải chữa, khi ấy tôi nghĩ chỉ cần phẫu thuật xong là mình sẽ có con, vì mình đã bình thường giống mọi người rồi", chị kể lại. Năm 2010, chị Thúy làm phẫu thuật thông ống dẫn trứng.
"Khi ấy, mình nghĩ đơn giản rằng chữa được bệnh là có thể có con rồi. Lúc ấy còn phấn khởi lắm, nghĩ mọi thứ đã qua và mình đã đi được đến đích rồi, mà thật ra là chỉ mới bắt đầu cuộc hành trình thôi", chị cười.
Sau khi phẫu thuật thông ống dẫn trứng, chị Thúy mang tâm thế của một người đã chuẩn bị sẵn sàng để đón con, thế nhưng số phận chưa mỉm cười. 1 năm rồi 2 năm trôi qua, con vẫn chưa về, hy vọng trong chị cứ giảm dần giảm dần.
Hai vợ chồng lại khăn gói lên Hà Nội để khám và kiểm tra sức khỏe thêm lần nữa và nhận được kết quả bình thường nhưng không hiểu sao lại không thể thụ thai. "Khi ấy tôi chán nản lắm vì cứ nghĩ là gần chạm đến giấc mơ có con rồi đấy, nhưng cuối cùng thì lại không", chị Thúy ngậm ngùi.
Chán nản là thế, đắng cay là thế, nhưng tình thương yêu và mong ngóng con đã vực anh chị dậy để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Kể từ đó, anh Hiến và chị Thúy chạy chữa ở rất nhiều nơi từ Nam ra Bắc, uống đủ loại thuốc với hy vọng con yêu sẽ về.
Chị kể lại, có lần nghe được ông thầy ở Hòa Bình, chị liền đi ra đó khám và bốc thuốc. Ở đâu có thầy nào hay là đi theo thầy đó, làm được gì chị đều làm hết, chỉ với hy vọng con về. Chị Thúy cũng tự ngộ ra có nhiều thứ ngớ ngẩn lắm, nhưng chị vẫn làm bởi gần như đã đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng. Những phương thuốc, mẹo vặt ấy dù vô lý thế nào, mọi người đánh giá 99% thất bại nhưng chị vẫn kỳ vọng có thể nắm bắt được 1% thành công.
Sau đó, chị còn thử đến phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) nhưng vẫn không thành công. Thế là chị chọn làm IVF.
Đích đến hạnh phúc sau hành trình đầy gian nan
Sau 8 năm chữa chạy đủ mọi phương pháp, chị Thúy và anh Hiến quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đa khoa Tâm Anh (IVFTA) tại Hà Nội.
Từng có ý nghĩ đây là cơ hội cuối cùng, nếu không được nữa chị sẽ buông xuôi. Chị được bác sĩ Tuấn Anh, bác sĩ Thủy và các cô y tá tâm lý, thường xuyên tâm sự, động viên giúp tinh thần chị thoải mái hơn. Sau áp lực ban đầu, chị đã thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên và mang thai bé Hà Mi.
"Ngày cầm que thử 2 vạch chắc là ngày hạnh phúc nhất đời tôi", chị Thúy cười nhớ lại. Có hạnh phúc nào hơn ước mong thành hiện thực vào lúc mà mình gần như mất hết lòng tin, có điều kỳ diệu nào hơn tiếng cười con trẻ rộn rã để gia đình thêm ấm cúng.
Quá trình làm IVF thuận lợi nhưng khi mang thai chị Thúy lại khá vất vả. Chị bị nghén nặng, không ăn uống được gì.
Hơn 9 tháng chị Thúy mang thai có lẽ là khoảng thời gian duy nhất mà cả gia đình đều cảm thấy "chờ đợi là hạnh phúc". Và sự chờ đợi ấy cuối cùng cũng mang đến điều kỳ diệu, tháng 3/2018, bé Hà Mi ra đời mang theo bao hạnh phúc đến với gia đình nhỏ của anh Hiến và chị Thúy.
Cô bé Hà Mi khi sinh nặng 3,4kg, rất lanh lợi và kháu khỉnh. Tới hôm nay, em đã biết làm trò và dỗi dù chỉ mới có 4 tháng tuổi. "Ông bà cưng lắm, cứ ôm trong lòng thôi. Nghĩ lại, tôi thấy bao nhiêu thời gian vất vả trước đó cũng xứng đáng. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với mọi người: không được từ bỏ bất kỳ cơ hội nào cả", chị Thúy bày tỏ.
"Bao nhiêu thời gian cũng xứng đáng" chị đúc kết. Tìm con là một cuộc hành trình gian nan, kéo dài đến gần cả chục năm mà có nhiều người không may vẫn chưa thể có kết quả như ý. Cuộc hành trình đầy gian nan và thử thách của gia đình chị Thúy đã khép lại. Trái tim của người mẹ ấy đã đập những nhịp vô cùng nhẫn nại và kiên cường, để sau cùng, 9 năm dài ròng rã, chị đã được đền đáp bằng bé gái kháu khỉnh cùng một gia đình tròn vẹn, hạnh phúc.
(Nguồn: Bệnh viện Tâm Anh)