"Tôi bất ngờ, vui mừng quá đỗi vì không còn suy thận", ông Hùng chia sẻ với Thầy thuốc ưu tú, BS.CKII Tạ Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khi tái khám ngày 21/1.
Hơn một năm trước, ông đột nhiên phù nề từ chân, tay, mặt rồi toàn thân, cân nặng tăng từ 64 kg lên 74 kg chỉ trong vài tháng. Huyết áp tăng dù ông không có tiền sử cao huyết áp. Bác sĩ một bệnh viện chẩn đoán ông bị suy giãn tĩnh mạch sâu (bệnh có thể gây phù chân, tay), uống thuốc một thời gian không bớt.
Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, xét nghiệm cho thấy mức tiểu đạm cao 7,9 g/24h (người bình thường không có đạm trong nước tiểu). Độ lọc cầu thận (eGFR) thấp 47,68 ml/phút/1,73 m2 da; huyết áp cao 160/90 mmHg... Bác sĩ Dung chẩn đoán ông Hùng bị suy thận cấp tính, hội chứng thận hư nguyên phát, thận ứ nước độ 3. Đây là tình trạng liên quan đến suy giảm chức năng thận, cần nhập viện điều trị ngay.
Cầu thận nằm trong quả thận đảm nhiệm chức năng lọc máu, giữ lại chất đạm và tế bào máu; đồng thời thải các chất cặn bã, chất lỏng thừa qua nước tiểu. Khi cầu thận bị tổn thương, màng lọc cầu thận lọc không hiệu quả, "để lọt" nhiều đạm vào nước tiểu, không đào thải hết cặn bã và chất lỏng thừa ra ngoài. Tình trạng này khiến người bệnh đi tiểu có đạm, phù nề và tăng cân do tích nước.
Theo bác sĩ Dung, nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời suy thận cấp với phác đồ phù hợp, chức năng thận có thể dần phục hồi. Ngược lại, bệnh dễ diễn tiến sang suy thận mạn, người bệnh buộc phải lọc máu (gồm chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng) để duy trì sự sống.
Ông Hùng đồng thời mắc nhiều bệnh khác như mỡ máu, gan nhiễm mỡ, dày xơ vữa hệ mạch máu, phì đại lành tính tuyến tiền liệt, suy giãn tĩnh mạch tay chân, nang gan và thận, rối loạn chuyển hóa canxi, trào ngược dạ dày - thực quản.
Người bệnh lớn tuổi, có nhiều bệnh nền nên khả năng đáp ứng với thuốc chứa corticoid không cao, tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như viêm loét, thủng đường tiêu hóa, loãng xương... Để an toàn, bác sĩ điều chỉnh phác đồ dùng thuốc phù hợp với sức khỏe, thể trạng của ông Hùng, giải thích về các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị.
"Mục tiêu là điều trị bệnh thận và các bệnh kèm theo, đồng thời phòng ngừa các tác dụng phụ do dùng thuốc", bác sĩ Dung cho biết.
Trong hai tuần nằm viện, ông Hùng được bác sĩ dẫn lưu chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể nên tay, chân, mặt không còn phù nề, cân nặng trở về 64 kg. Ông điều trị ngoại trú, hàng tháng tái khám để theo dõi chức năng thận. Ngoài kê đơn thuốc, bác sĩ hướng dẫn chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp cho người bệnh.
"Sau 5 tháng, độ lọc cầu thận tăng lên 68 ml/phút/1,73 m2, đồng nghĩa ông Hùng không còn suy thận và duy trì ổn định ở mức phù hợp với độ tuổi, chức năng thận phục hồi sau điều trị rất khả quan", bác sĩ Dung cho biết.
Đến tháng thứ 6, đạm trong nước tiểu giảm của người bệnh về mức an toàn, không còn hội chứng thận hư. Các vấn đề sức khỏe khác như huyết áp, mỡ máu, kích thước tuyến tiền liệt, suy giãn tĩnh mạch... cũng trở về bình thường.
Ông Hùng cho biết trong những tháng đầu điều trị bị ngứa da, yếu cơ xương, do tác dụng phụ của thuốc. Sau đó, các triệu chứng này dần biến mất, ông khỏe hơn. Sau mỗi lần tái khám, các chỉ số sức khỏe của ông cải thiện so với tháng trước.
Suy thận cấp tính hay tổn thương thận cấp là tình trạng chức năng thận suy giảm đột ngột, khiến cho các chất điện giải, chất thải thừa không được đào thải ra khỏi máu. Bệnh có thể xảy ra ở người có chức năng thận bình thường và người bệnh suy thận mạn.
Bác sĩ Dung khuyến cáo người bệnh suy thận cấp tính cần phối hợp với bác sĩ trong quá trình điều trị bằng cách uống thuốc, ăn uống, vận động, tái khám đúng hẹn.
Thắng Vũ
* Tên người bệnh đã được thay đổi