Cổ tử cung là phần dưới của tử cung trong hệ sinh dục nữ, thường dài từ 2 đến 3 cm và hình dạng gần như hình trụ, có sự thay đổi trong thai kỳ. Cổ tử cung đảm nhiệm chức năng sản xuất dịch nhầy, giúp tinh trùng dễ dàng vào sâu bên trong tử cung để tới ống dẫn trứng cũng như thụ thai. Do đó, hẹp cổ tử cung có thể tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản như:
Đường đi của tinh trùng bị chặn hoặc hạn chế: Nếu lỗ cổ tử cung bị chặn hoặc hẹp hơn bình thường, tinh trùng không thể di chuyển đến ống dẫn trứng (nơi chúng gặp và thụ tinh với trứng).
Viêm và nguy cơ lạc nội mạc tử cung: Kinh nguyệt có thể bị tắc hoàn toàn (trong trường hợp nghiêm trọng) hoặc bị giữ lại và không thể dễ dàng chảy ra ngoài, gây đau và viêm. Nếu nhiễm trùng xảy ra, nội mạc tử cung có thể bị tổn thương và gây lạc nội mạc tử cung.
Ít chất nhầy cổ tử cung: Hẹp cổ tử cung phổ biến nhất là do mô sẹo, cản trở việc sản xuất chất nhầy. Nếu không có đủ chất nhầy, tinh trùng sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển và sống sót.
Biến chứng trong quá trình điều trị: Điều trị hẹp cổ tử cung cũng có thể làm suy yếu hoặc gây tổn thương mô cổ tử cung. Trong thời kỳ mang thai, điều này có thể dẫn đến cổ tử cung không đóng hoặc không đủ khỏe để giữ an toàn cho thai nhi, dẫn tới sảy thai trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc sinh non.
Tuy nhiên, nếu cổ tử cung không được khỏe, khâu cổ tử cung sớm trong thai kỳ và cắt bỏ chỉ sau khi mang thai được 26 tuần, sẽ giúp giữ thai nhi và giảm khả năng sinh non. Điều này không cản trở quá trình giãn nở cổ tử cung và sinh nở thông thường.
Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng hẹp cổ tử cung là do phẫu thuật cổ tử cung trước đó. Khi cơ thể đang hồi phục, mô sẹo có thể hình thành trên lỗ cổ tử cung dẫn đến tình trạng bị hẹp. Các nguyên nhân khác bao gồm: hội chứng Asherman (mô sẹo hoặc chất kết dính hình thành trong tử cung do một số chấn thương gây ra); loạn sản cổ tử cung (tế bào tiền ung thư); ung thư cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung; do bẩm sinh; phẫu thuật cắt bỏ nội mạc tử cung; nhiễm trùng tử cung hoặc cổ tử cung; thời kỳ mãn kinh...
Hẹp cổ tử cung là một nguyên nhân hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây vô sinh nữ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể điều trị bằng cách sử dụng các chất giãn nở; đặt stent (ống đỡ động mạch) để giữ cho cổ tử cung mở và ngăn mô sẹo hình thành (stent sẽ được gỡ bỏ sau vài tuần). Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ ra việc nong cổ tử cung cũng giải quyết được tình trạng hẹp trong phần lớn các trường hợp nhưng sẽ phải thực hiện lặp đi lặp lại. Với những phụ nữ chưa muốn mang thai, vòng tránh thai có thể được đặt sau khi điều trị chứng hẹp cổ tử cung nhằm ngăn chặn mô sẹo hình thành. Nếu muốn thụ thai trong tương lai, chỉ cần gỡ bỏ vòng tránh thai.
Nếu không thể mang thai tự nhiên sau 6 tháng điều trị hẹp cổ tử cung, phụ nữ có thể thực hiện phương pháp bơm tinh trùng (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Cả phương pháp đều sử dụng biện pháp đặt ống thông bên trong cổ tử cung. Phương pháp IUI sử dụng ống thông vận chuyển tinh trùng đã được rửa sạch, còn IVF dùng ống thông mang phôi vào buồng tử cung, nâng cao cơ hội mang thai.
Như Ý (Theo Very Well Family)