Cách đây ít ngày, người mẹ 37 tuổi (quê Hà Tiên, Kiên Giang) và chồng vừa đưa con gái hơn một tháng tuổi về quê. Bé gái sinh non nhưng khỏe mạnh, ngoan và ít quấy khóc.
Chị Ngô Ly Bình kết hôn cùng anh Hàng Kim Phong (38 tuổi) năm 2009. Chị từng mang thai tự nhiên, song không giữ được, kể từ đó không có tin vui.
Năm 2012 cùng nhau lên TP HCM để chạy chữa, chị được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, còn tinh trùng của chồng bình thường. Tuy nhiên, các kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM) đều không thành công. Đôi vợ chồng tiếp tục thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hai lần cũng thất bại.
Trong 6 năm, vợ chồng chị Bình đã đi tổng cộng 5 bệnh viện, từng có 4 lần đậu thai nhưng thai không phát triển. Một số phôi thai tự đào thải, số khác phải sử dụng thuốc để đẩy thai ra ngoài. Những lần xét nghiệm, chọc hút trứng, chuyển phôi, mang thai rồi mất con cứ kéo dài và lặp lại khiến chị Bình ám ảnh đến nỗi không dám bước chân vào bệnh viện.
"Cứ đến đó, tôi lại nhớ những lần vừa có con lại mất, phải uống thuốc kích trứng rất khó chịu, nặng nề. Khi nhìn thấy các bà bầu, người mới sinh, nghe tiếng em bé khóc, tôi luôn tự hỏi bao giờ mới được nhìn thấy con nằm cạnh mình", chị Bình nói.
Thương vợ vất vả, anh Phong an ủi "chỉ cần vợ thôi, không cần con nữa, có con chưa chắc hạnh phúc hơn". Nhưng khao khát được làm mẹ khiến chị Bình không từ bỏ việc chạy chữa.
Tháng 11/2021, người phụ nữ quyết định điều trị lần cuối tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. "Không được nữa thì về quê, coi như số trời không cho mình có con", chị tự nhủ, xốc lại tinh thần để đi khám.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, cho biết lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân chính khiến người bệnh nhiều lần mang thai không thành công. Bệnh gây cứng, giảm đàn hồi cơ tử cung, khiến phôi thai khó bám, đồng thời máu nuôi em bé không tốt. Bệnh còn làm cho tử cung to hơn, tăng cảm giác đau đớn khi đến kỳ kinh nguyệt.
Chị Bình từng phẫu thuật, khiến tử cung có sẹo, tiên lượng khó mang thai. Ngoài ra, bệnh nhân cũng đã lớn tuổi, cần điều trị bệnh cao huyết áp và tình trạng tiền tiểu đường. Do đó, bác sĩ Như tư vấn chị điều trị bệnh lạc nội mạc tử cung trong 6 tháng, sau đó tiếp tục làm IVF, chỉ chuyển một phôi một lần.
"20 năm làm nghề, tôi đã quá quen với thủ thuật chọc hút trứng, vậy mà vẫn rất căng thẳng, toát mồ hôi để lấy được 4 quả trứng", bác sĩ Như cho biết. Lý do là buồng trứng của người bệnh bị dính, treo rất cao, đôi khi ngoài tầm với của kim chọc hút. Bác sĩ theo sát quá trình tạo phôi trong phòng lab và thu được 4 phôi chất lượng tốt.
Tháng 7/2022, chị Bình được chuyển phôi, đậu thai ngay từ lần đầu. Ba tháng đầu, chị nghén nặng, sụt 5 kg, nhập viện lần hai để điều trị chảy máu, nhiễm trùng tiểu, tiểu đường thai kỳ. Đến tuần 35 (tháng 2/2023), chị Bình vỡ ối, được mổ lấy thai. Em bé sinh non, nặng 2,6 kg, theo dõi sức khỏe tại viện 3 ngày.
"Vợ chồng tôi cuối cùng đã có một đứa con. Tôi hạnh phúc mà không nói được, nước mắt cứ chảy mãi", chị Bình nói, cho biết thêm hiện em bé đã tăng cân đều như những đứa trẻ sinh đủ tháng, phát triển tốt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 4 cho biết, ước tính cứ 6 người thì có một người bị vô sinh tối thiểu một lần trong đời, đồng thời cảnh báo các quốc gia cần chú ý tới vấn đề này trong xây dựng chính sách y tế.
Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh. Theo Bộ Y tế, tần suất mắc bệnh không được thống kê chính xác, ước tính chiếm khoảng 10% phụ nữ trong tuổi sinh sản. Trong đó, 40-82% bệnh nhân bị đau vùng chậu mạn tính, 17-48% có các khối lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng, 50% mắc vô sinh.
Tuy nhiên, bác sĩ Như cho biết với sự phát triển của y học hiện nay, nhiều cặp vợ chồng mắc bệnh lý gây vô sinh, hiếm muộn vẫn có thể làm cha mẹ. Bệnh viện từng điều trị nhiều ca bệnh khó, có trường hợp hơn 10 lần chuyển phôi thất bại, đã thành công nhờ áp dụng các kỹ thuật hiện đại và phối hợp nhiều chuyên khoa.
Ôm con vào lòng, chị Bình nói đây là món quà lớn nhất sau hành trình tìm kiếm dài đằng đẵng. Chị đặt tên bé là Hàng Tâm Nhi, trong đó chữ Tâm lấy từ tên của Bệnh viện Tâm Anh, còn chữ Nhi lấy theo tên của bác sĩ Mỹ Nhi, người mổ sinh cho chị.
Nhìn tấm ảnh cùng video em bé chào đời được gửi qua mạng, bác sĩ Như cho biết rất vui vì bệnh nhân sinh con thành công. "Những lúc này, tôi thường đùa với bệnh nhân rằng đã hết nợ rồi nha", bác sĩ nói.
Chi Lê