Chuyện có một đứa con với hầu hết mọi người có lẽ là điều khá đơn giản, nhưng với những cặp vợ chồng hiếm muộn, việc tưởng chừng như vô cùng dễ dàng đó lại thực sự gian nan với vô vàn những khó khăn, tủi hờn và tuyệt vọng. Đó cũng là câu chuyện của vợ chồng chị Nghiêm Thị Mai Nhài và anh Hoàng Xuân Hoàn (cùng sinh năm 1987 tại Phú Thọ).
Hành trình tìm con của họ đã kéo dài 7 năm, mang theo hàng vạn những cung bậc cảm xúc. Nhưng cuối cùng, với niềm tin và sự nỗ lực không ngừng, hành trình đó đã mang đến cho họ một cháu trai kháu khỉnh cùng một gia đình tròn vẹn, hạnh phúc.
Hành trình tìm con trải dài hai miền Nam - Bắc
Chị Nhài và anh Hoàn cưới nhau đến nay đã hơn 8 năm, nhưng khoảng thời gian tìm con cũng ngót nghét đến tận 7 năm ròng. Sau khi cưới khoảng 6 tháng, vợ chồng anh chị có ý định đón thêm thành viên mới nên đã làm các thủ tục thăm khám và xét nghiệm tại bệnh viện phụ sản Trung Ương. Tại đây, anh Hoàn được chẩn đoán mắc chứng yếu tinh trùng. Chính điều này khiến hai vợ chồng khó mà có con được.
Kể từ đó, chị Nhài và anh Hoàn đã phải đi đủ mọi nơi để cắt thuốc nam, thuốc bắc, đi từ Phú Thọ xuống Hà Nội, rồi vào đến tận Sài Gòn để khám hiếm muộn và chữa trị cho anh. Chỉ cần nghe thấy ở đâu nói có thầy lang nào chữa vô sinh là hai vợ chồng lại hăng hái đi tìm đến ngay. Những tháng ngày đó đúng là những ngày sống trong vực thẳm với biết bao là mệt mỏi, tủi thân và đau đớn. Sau 4 năm ròng rã mỏi mệt, chữa trị hết bệnh viện này đến phòng khám khác, cả Đông Tây y kết hợp mà vẫn không có kết quả, đã có lúc chị tuyệt vọng đến mức muốn buông xuôi. Nhưng rồi một tia hy vọng lại lóe lên, khi nghe một người bạn nói về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chị lại quên hết cả những tủi hờn, tuyệt vọng, lại chỉ nghĩ mình phải làm tất cả để có được các con. Chị bàn bạc và thỏa thuận với chồng, thế rồi hai vợ chồng lại cùng nhau khăn gói vào Sài Gòn làm IVF.
Vợ chồng anh chị được giới thiệu đến một bệnh viện tại TP HCM để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tại đây, anh chị đã thực hiện 2 lần IVF với một lần chọc hút trứng và 2 lần chuyển phôi. "Do mong đón con quá, chị lúc nào cũng suy nghĩ, lúc nào cũng trông ngóng nên tâm trạng không thoải mái, chị lại còn bị quá kích buồng trứng nên không chuyển phôi ở tháng đầu tiên được. Rồi cả lần thứ hai cũng không thành công", chị chia sẻ.
Nhiều khi anh chị cũng thấy chán nản vì đã đi khắp nơi chạy chữa, hết thuốc tây rồi lại thuốc nam, và giờ còn làm cả IVF mà kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Nhưng cũng những lúc đó biết mình phải lấy lại tinh thần, rồi hai vợ chồng cố động viên nhau luôn nỗ lực và luôn giữ niềm tin.
"Điều kỳ diệu sẽ đến khi ta giữ lòng tin"
IVF hai lần không thành công, chị trở ra Bắc, vào Hà Nội để tiếp tục khám hiếm muộn và chữa bệnh cho anh tại Khoa Nam học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Sau một thời gian theo khám và điều trị cùng Giáo sư Trần Quán Anh, chị đã quyết định thực hiện IVF tại đây. Chị chia sẻ: "Năm 2016, anh chị quyết định vào Mỹ Đức vì bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chưa đi vào hoạt động. Sau khi làm IVF thất bại ở Mỹ Đức, anh chị quay về Hà Nội, biết Tâm Anh đã đi vào hoạt động, anh chị đến khoa Nam học để điều trị cho anh và biết đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản của bệnh viện. Qua thời gian điều trị tại bệnh viện, anh chị cảm thấy bệnh viện rất sạch sẽ, trang thiết bị hiện đại, có đội ngũ bác sĩ giỏi, thái độ phục vụ ân cần, chu đáo nên rất an tâm. Anh chị quyết định đặt niềm tin của mình vào Tâm Anh".
Chị Nhài được bác sĩ Lê Hoàng thăm khám và chuyển phôi, được bác sĩ Thủy, bác sĩ Cao Tuấn Anh siêu âm theo dõi. Các bác sĩ đều có thái độ hòa nhã, gần gũi và rất quan tâm tới bệnh nhân khiến chị rất hài lòng.
Chị Nhài nói: "Lần này làm IVF lần thứ 3 rồi, mà mình vẫn cứ hồi hộp lắm, dẫu biết có rất ít cơ hội mà sao chị vẫn cứ hy vọng mãi. Tháng đầu tiên, bác sĩ bảo chị bị quá kích buồng trứng nên không chuyển phôi được, nghe sao mà giống lần trước. Chị cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi, mà sao vẫn thấy thất vọng và đau lòng".
Vậy mà lần đầu làm ở Tâm Anh lại được ngay. Ngày biết mang thai, chị cùng với gia đình vỡ òa trong hạnh phúc. May mắn đã mỉm cười với gia đình và cuộc đời chị. Hành trình 7 năm này đầy gian khổ, thử thách, khó khăn và làm rơi của cả anh lẫn chị rất nhiều nước mắt, nhưng điều đáng quý là anh chị chưa một lần có ý định buông tay nhau. Đến cuối cùng, may mắn cũng đã mỉm cười vợ chồng anh chị. Ngày 22/02/2018, gia đình chị đã đón một cậu con trai kháu khỉnh. Đúng như những gì chị Nhài đã chia sẻ, d0iều kỳ diệu sẽ đến khi ta giữ lòng tin.
Những thử thách còn ở phía trước
Cũng như đa số các cặp vợ chồng hiếm muộn khác, quá trình thai nghén của chị Nhài gặp phải khá nhiều khó khăn. Trong quá trình mang thai, chị bị dọa sảy 2 lần ở tuần thứ 7 và tuần thứ 17, "nhưng nhờ thuốc tốt, bác sĩ tận tâm động viên, đặc biệt là bác sĩ Sao Hieng, bác sĩ Lê mà mẹ con chị đã đi được đến cuối chặng đường", chị nói.
Quá trình thai nghén tuy gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng khi chào đời, cháu bé lại rất ngoan, khỏe mạnh và không quấy khóc nhiều. Hiện nay cháu hơn 2 tháng tuổi, nặng 7,2 kg, đã biết hóng chuyện và đang tập lẫy. Trộm vía cháu còn rất nhanh nhẹn và hay cười, khiến gia đình của anh Hoàn và chị Nhài giờ đây ngập tràn tiếng cười và niềm hạnh phúc.
Nhìn lại cả quá trình 7 năm ròng rã đi tìm con, anh chị tự thấy khâm phục sự kiên trì bền bỉ của bản thân. Với những gia đình đang trên con đường tìm kiếm con cần luôn giữ vững niềm tin, tâm lý thoải mái.
"Vợ chồng tôi vẫn còn có ý định sinh thêm bé nữa vì vẫn còn 3 phôi trữ đông ở bệnh viện", chị nói thêm.
(Nguồn: Bệnh viện Tâm Anh)