Chị Chinh, anh Duẩn (30 tuổi, ở Hải Dương) từng chạy chữa Đông Tây y, thực hiện thụ tinh nhân tạo ở một bệnh viện lớn tại Hà Nội nhưng không thành công. Sức khỏe chị Chinh suy giảm, trong khi tiền bạc eo hẹp dần sau 4 năm chạy chữa. Hai vợ chồng hoang mang, định hoãn lại hành trình tìm con, thu xếp sang Nhật làm ăn, tích góp tiền để tiếp tục chạy chữa.
Năm 2019, Chinh được một người bạn giới thiệu đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội, gặp gỡ nhiều phụ nữ hiếm muộn thành công và lắng nghe hành trình điều trị của họ trước khi được ôm con trong tay, khao khát làm mẹ trong chị trỗi dậy...
Chị Chinh nhớ như in ngày 1/4/2019, một ngày mưa tầm tã, hai vợ chồng đi xe máy từ Hải Dương lên Hà Nội thăm khám.
"Quyết định có con vừa như là thử thách, vừa như là đánh đổi vì tìm con lúc này nghĩa là phải từ bỏ việc sang Nhật. Hai vợ chồng không dám đặt cược sẽ thành công nhưng lúc đó thật sự kỳ vọng bác sĩ ở IVF Tâm Anh sẽ giúp chúng tôi biến ước mơ thành hiện thực", chị tâm sự.
Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện chị Chinh có buồng trứng đa nang, vòi tử cung thông hạn chế, anh Duẩn tinh trùng yếu. Theo bác sĩ Đỗ Thị Thu Trang - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, , BVĐK Tâm Anh Hà Nội, buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân vô sinh do gây ra tình trạng rối loạn phóng noãn. Hội chứng này ảnh hưởng tới 8 -13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn liên quan đến rối loạn chuyển hóa của phụ nữ. Các dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang gồm: kinh nguyệt không đều, rậm lông, vô sinh, hình ảnh đa nang buồng trứng trên siêu âm, rối loạn chuyển hóa, béo phì, đái tháo đường, đề kháng Insulin...
Người mắc buồng trứng đa nang có thể cải thiện bằng cách thay đổi lối sống: Ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên để giữ cân nặng tối ưu, giảm tình trạng thừa cân béo phì và kháng Insulin. "Kết hợp điều trị các phương pháp hỗ trợ sinh sản có kiểm soát phóng noãn như thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là cách giúp các chị em sớm có tin vui", bác sĩ Thu Trang cho biết.
Được bác sĩ tư vấn làm IUI thêm một vài chu kỳ, tuy nhiên tỷ lệ thành công của IUI chỉ khoảng 20-30%, có thể có nguy cơ quá kích buồng trứng và đa thai, trong khi đang mong ngóng có con, vợ chồng chị Chinh quyết định chọn IVF. Nhờ đáp ứng tốt với thuốc và phác đồ điều trị, hành trình IVF của họ diễn ra suôn sẻ. Vợ chồng chị thu được 2 phôi ngày 2 và 9 phôi tốt ngày 5.
Chị Chinh được bác sĩ tư vấn chuyển một phôi tốt ngày 5 nhưng với khát khao mong con và sự lo lắng của hai vợ chồng, họ đề nghị chuyển hai phôi tốt ngày 5 vào buồng tử cung.
Đối với chị Chinh, sau chuyển phôi là khoảng thời gian dài nhất. Lúc nào chị cũng hồi hộp, sốt ruột, nôn nóng đến mất ăn, mất ngủ. Ngày thứ 7 sau chuyển phôi, một giờ sáng chị dậy thử que. Vạch thứ hai lên mờ khiến Chinh vừa mừng vừa lo. "Suốt đêm ấy hai vợ chồng thao thức mãi, chỉ trông trời nhanh sáng để làm xét nghiệm beta. Ngày thứ 12 sau chuyển phôi trở lại bệnh viện kiểm tra, bác sĩ báo đậu thai đôi khiến hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc", chị kể.
Mang song thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thời gian đầu thai kỳ, chị nghén nặng, không ăn uống được gì, không ít lần phải thăm khám và nhập viện điều trị. Ngày 8/3/2020, hai bé trai nặng 2,5kg và 2,7kg kháu khỉnh chào đời bằng phương pháp mổ chủ động.
Trước đây vào những ngày cuối năm, không gian quanh chị Chinh lặng thinh, trầm lắng bởi những tiếng thở dài. Chị đã có lúc sợ Tết. Hiện tại, tiếng cười nói bi bô, ríu ran của hai đứa trẻ trong căn nhà nhỏ khiến vợ chồng chị thấy ấm lòng. Từ đằng đẵng mong con đến cảm giác hạnh phúc khi được làm cha, làm mẹ khiến họ thêm trân quý những khoảnh khắc được bên nhau.
"Mình thèm trẻ con nên thích nhà đông con. Tâm Anh là nơi gieo duyên lành đến gia đình mình. Tới đây vợ chồng mình dự kiến quay lại đây làm IVF lần 2", chị tâm sự.
Trịnh Mai