Theo chương trình hành động về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, Chính phủ yêu cầu các địa phương ưu tiên đầu tư vận tải hành khách công cộng, nhất là loại hình lưu lượng lớn. Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn căn cứ tình hình thực tế để xây dựng lộ trình hạn chế một số xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Tôi thấy chủ trương hạn chế xe cá nhân là hoàn toàn đúng đắn. Nguyên nhân tắc đường không phải là do đường rộng hay hẹp, mà là phương tiện cá nhân quá nhiều. Tất nhiên, để hạn chế được phương tiện cá nhân, nhiệm vụ song song đó là chúng ta phải hoàn thiện hệ thống metro và xe buýt, phủ mạng lưới dày hơn để giảm khoảng cách đi bộ cho người dân.
Nhiều người cứ nghe đến phương tiện công cộng là kêu không tiện, không phù hợp với thời tiết nắng nóng ở Việt Nam. Nhưng ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, đã sử dụng phương tiện công cộng là phải chấp nhận đi bộ. Singapore, Malayssia, Ấn Độ cũng nắng nóng chẳng kém ta nhưng người ta vẫn đi metro đó thôi. Tôi đi bộ ở Hàn Quốc cũng chẳng có mái che nào ngoài đường hết nhưng cũng vẫn đi được. Thay vì kêu ca, đổ lỗi, phàn nàn, chúng ta nên tìm cách thích nghi dần với hoàn cảnh mới.
Còn nếu cứ kêu phương tiện công cộng không tiện, rồi cứ đời này qua đời khác vẫn đi ôtô, xe máy cá nhân ra đường, thì hình ảnh đô thị của chúng ta sẽ mãi lộn xộn. Không có nước nào trên thế giới mà xây bến tàu điện, bến xe buýt trước mỗi cửa nhà dân cả. Người Việt cũng cần xác định đi bộ là một thói quen tốt, nên được duy trì và phát huy vì cái lợi chung.
>> Tôi mua xe máy cho con đi học vì xe buýt quá phiền
Ở phương diện quy hoạch hạ tầng đô thị, nếu nhiều người kêu dùng xe buýt phải đi bộ xa thì thành phố nên có các xe trung chuyển từ ngõ ngách ra đường chính. Chuyện hệ thống hạ tầng ở ta chưa đồng bộ là đúng, nhưng cái gì chưa có thì phải làm thêm, chứ không phải lấy đó là lý do để duy trì phương tiện cá nhân. Về lâu dài, chủ trương đúng đắn là phải đồng bộ xe buýt, xây tàu điện để người dân bỏ thói quen đi xe cá nhân. Bởi xét cho cùng, nếu phương tiện cá nhân mà có nhiều lợi ích thì thế giới đâu phải mất công làm metro hay xe buýt làm gì.
Đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi xe máy bằng phương tiện công cộng. Có những nghề cần xe máy như một phương tiện đi lại thì có thể thay bằng xe điện, ít nhất cũng sẽ sạch và đỡ ô nhiễm môi trường. Như vậy, đường sá mới thật sự văn minh, sạch sẽ. Nhưng, muốn chấm dứt hoạt động của xe máy, chúng phải làm tàu điện thật nhanh và khẩn trương hơn nữa. Phương tiện công cộng luôn là cách giải quyết tốt nhất cho bài toán ùn tắc giao thông.
Hiện nay, xe buýt không có khách vì người Việt vẫn chọn đi xe cá nhân, chứ thế giới người ta đâu có chê loại phương tiện công cộng này. Vậy tại sao người ta làm được còn mình thì không? Tôi thấy chúng ta không thể tiếp tục bàn lùi. Giải pháp là dồn lực xây dựng đồng loạt các loại hình phương tiện công cộng trong 4-5 năm tới. Có thể nghiên cứu cho các tập đoàn trong nước đứng ra đầu tư tàu điện trên cao, rồi cho họ bán vé thu hồi vốn.
Nếu người Việt không nhanh, cứ lùi tiến độ rồi chờ khảo sát mãi thì biết bao giờ cho hết ùn tắc? Mục tiêu cấp thiết nhất lúc này là phải có ít nhất 5-6 tuyến tàu điện từ giờ đến năm 2030 mới hy vọng giảm đáng kể số phương tiện cá nhân.
Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu; ôtô 600.000, thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai. Trong khi đó, đến cuối năm 2021, TP HCM quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện, trong đó 819.000 ôtô và hơn 7,6 triệu xe máy, bình quân mỗi ngày có 79 ôtô và 309 xe máy đăng ký mới.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.