Nói đến xe buýt ở Việt Nam, nhiều người thường lập tức nghĩ ngay đến hình ảnh một loại phương tiện công cộng thiếu sạch sẽ, lộm nhộm, chất lượng dịch vụ tệ, thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, chạy ẩu... Những ác cảm về xe buýt từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt, bất chấp suốt hai thập kỷ qua, những nhà quản lý đã tìm đủ mọi cách để khắc phục yếu kém. Thế nhưng, có phải xe buýt ở Việt Nam bao năm qua vẫn không cải thiện gì về chất lượng, hay do chúng ta vẫn còn chưa thay đổi tư duy và chịu đón nhận phương tiện này như một giải pháp thay thế xe máy?
Độc giả Tieu Nho nói về những trải nghiệm khi đi xe buýt của mình: "Khi mọi người đòi hỏi xe buýt phải vừa có giá vé thật rẻ vừa có chất lượng thật tốt thì gần như rất có để đạt được, nhất là trong tình hình vật giá ngày càng leo thang. Thực ra, muốn đi xe buýt hiện đại, được phục vụ tận tình, các bạn có thể chọn đi xe buýt mui trần với giá thành đắt hơn. Còn những chuyến giá rẻ được mở ra để chủ yếu phục vụ tầng lớp người dân muốn tiết kiệm chi phí đi lại. Thế nên, người dùng phải chấp nhận một số bất tiện, hạn chế cũng là điều dễ hiểu.
Tôi cho rằng, người không thích dịch vụ công cộng thường hay chê bai xe buýt: nào là không đúng giờ, đậu sai, nhân viên chửi tục, hay mất đồ... Nhưng họ lại không đặt câu hỏi ngược lại là: có phương tiện nào giá rẻ hơn mà chất lượng tốt hơn xe buýt không? Với mức giá 7.000 đồng cho một chuyến đi từ đầu đến cuối tuyến, mà đòi hỏi phải được phục vụ như phương tiện năm sao thì e rằng không tưởng.
Với tôi, giá xe buýt như hiện nay là quá tốt với người không có tiền, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên hay người thu nhập thấp. Biết rằng còn nhiều bất cập và bản thân tôi cũng không quá thích dịch vụ xe buýt hiện nay vì nhiều nguyên nhân, nhưng sau một thời gian sử dụng, tôi thấy nên thông cảm với xe buýt. Giá rẻ thì khó đòi hỏi chất lượng và tiện ích hơn nữa".
Đồng quan điểm, bạn đọc Thích cũng có cái nhìn tích cực về xe buýt: "Ai hay đi xe buýt, quen chuyến, quen chặng... thì sẽ thấy phương tiện này khá tiện lợi. Cũng có giai đoạn tôi hay bắt xe buýt đi từ phà Phước Khánh lên chợ Bến Thành, bữa nào trời mưa, trời nắng, tắc đường, ngồi trong xe mát lạnh nhìn ra đường, tôi thấy thật may mắn vì có xe buýt. Hôm nào phải chạy xe máy đi về thực sự là một cơn ác mộng.
Có những tuyến tôi gặp một cặp vợ chồng là tài xế và phụ xe, họ coi cái xe như là ngôi nhà di động nên giữ vệ sinh rất sạch sẽ. Còn chuyện lơ xe lúc nóng, lúc dễ chịu cũng là chuyện dễ thông cảm vì còn phụ thuộc vào hoàn cảnh xe lúc đó đông hay vắng. Thú thực, nhiều lúc, tôi còn muốn nổi khùng với khách đi xe buýt chứ chẳng nói đế phụ xe. Ý thức của hành khách chúng ta cũng không phải lúc nào cũng tốt cả".
>> 'Không đi nổi xe buýt Sài Gòn'
Lấy lại công bằng cho xe buýt, độc giả Bồ Công Anh bình luận: "Không phải tuyến nào cũng tệ như nhiều người chê trách. Hầu hết các tuyến xe tôi đi đều rất ổn. Còn vấn đề xe chạy ẩu, một phần nguyên nhân là do áp lực thời gian (xe về bến trễ sẽ bị phạt). Thái độ tiếp viên có thể hiểu là một phần do lương bổng không tương xứng với công sức họ bỏ ra (đi sớm, về khuya, hay bị phạt tiền, hạch sách...). Nói chung, xe buýt vẫn rất cần thiết và nhân văn với người già, học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người ở xa đi khám bệnh, người tỉnh khác... nên mong hệ thống buýt của Sài Gòn nói riêng, và cả nước nói chung ngày càng phát triển".
Cho rằng yếu tố quan trọng nhất giúp xe buýt nhanh chóng phát triển chính là kiểm soát lượng phương tiện cá nhân, bạn đọc An phân tích: "Bốn năm đại học của tôi gắn liền với những chuyến xe buýt. Nói về cơ sở vật chất và thái độ tài xế thì chắc cũng tùy tuyến, tùy xe. Đôi khi lên phải xe cũ, tôi cũng đành chịu nóng nực, bức bối một chút, chứ lên xe mới sẽ thấy khác hẳn.
Thái độ tài xế và tiếp viên cũng có người này người kia, nhưng cơ bản là họ bị áp lực giờ giấc, công việc nên mới vật. Lúc ngồi trên xe tôi cũng từng nhiều lần gặp cảnh nhân viên nhà xe lớn tiếng, nhưng cũng đành tặc lưỡi vì nghĩ cho cùng, nhờ vậy mà hành khách mới đến nơi đúng giờ được. Giá vé xe buýt vẫn được trợ giá, hoặc mua vé tháng cũng lợi rất nhiều.
Nhiều người kêu bỏ xe buýt, nhưng giờ cao điểm cứ nhìn những chuyến kinh điển như chuyến số 08 đi làng đại học Thủ Đức mà xem. Tưởng tượng không có xe buýt, hàng ngàn sinh viên tràn ra đường, 'cưỡi' xe máy thì còn kinh khủng hơn nữa. Vấn đề không phải nằm ở xe buýt mà là ở xe cá nhân và thiếu hạ tầng giao thông công cộng".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.