"Hồi tôi mới ra trường, lương chỉ đủ mua một cái iPhone, vậy mà tôi cứ hai, ba tháng lại thay điện thoại mới một lần, tuần nào cũng đi đá bóng, bia rượu, sinh nhật, hát hò... Lúc đó, mẹ tôi bảo, con chỉ cần tiết kiệm một tháng được vài ba triệu đồng là sẽ có một khoản kha khá cho mai sau rồi. Nhưng tôi nghĩ chừng đó thì ăn thua gì, tiết kiệm được mấy đâu.
Tôi cứ như vậy đến khi chuẩn bị du học, không còn một xu dính túi, phải ngửa tay vay của bố mẹ. Lúc sang nước bạn, tôi phải học cách chi tiêu tiết kiệm vì nếu hết tiền sẽ không biết vay ai. Tuổi trẻ của nhiều bạn có lẽ cũng giống tôi, nhưng rồi cuối cùng, đến lúc có việc làm, lập gia đình, phải mua nhà, mua xe, các bạn cũng phải tiết kiệm thôi. Tôi may mắn vì đã nhận ra điều đó sớm, mong các bạn cũng sớm tỉnh ngộ, bằng không sẽ không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mình mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình", đó là chia sẻ của độc giả Lee về sự hối hận khi tiêu xài phung phí khi còn trẻ.
"Nhiều người trẻ tiêu tiền mù quáng" cũng là quan điểm của tác giả Bùi Đức Quý khi đề cập đến thói quen chi tiêu của Gen Z. Việc lãng phí thời gian, tiền bạc cho những món đồ hiệu, đắt tiền không đem lại nhiều lợi ích, thay vào đó, mua một món đồ với giá trị phù hợp hơn, để dành tiền bạc cho việc đầu tư lâu dài, khiến nhiều bạn trẻ rời vào cái bẫy tiêu dùng.
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả To Tuong nhận định: "Giới trẻ ngày nay nghĩ rằng tiền dễ kiếm, họ có thể ngồi nhà và lên mạng cũng kiếm được tiền dễ dàng. Nhiều người thản nhiên chi tiêu những khoản tiền vay mượn, nhận trợ cấp của gia đình, tiền được cho từ người khác. Còn tiền lương do họ đi làm mà kiếm được thì ít ai để ý. Các bạn trẻ ngày nay dễ dàng từ bỏ các công việc lương thấp hay không phù hợp dù chưa có công việc khác thay thế. Họ cho rằng còn trẻ thì phải chơi kiểu trẻ trung, hợp thời, hợp mốt, nên không biết trân trọng đồng tiền, không biết sự vất vả khi kiếm đồng tiền, họ nhận được quá nhiều mà không phải trả giá (do sự cưng chiều quá đà của những người bao bọc họ)".
Không chọn lối sống hưởng thụ quá sớm, bạn đọc Kangaroo chia sẻ: "Tôi năm nay mới 29 tuổi nhưng chỉ cho phép bản thân hưởng thụ trong khoảng giới hạn. Tôi từng trải qua những lần lên xuống thu nhập thất thường và chứng kiến người xung quanh thất nghiệp hoặc đau ốm, có việc đột xuất, phải chạy đi vay mượn mặc dù trước đó họ luôn tạo hình ảnh sang chảnh. Tôi chỉ cần bản thân không mắc nợ ai và dư ra một khoản đủ sống khi về già, tôi còn giảm ăn uống và trồng rau ở nhà. Suy cho cùng, ăn chơi quá nhiều rồi cũng khổ".
>> 'Xài hàng hiệu để không lãng phí thanh xuân'
Thế nhưng, suy nghĩ của các bạn trẻ thì sao? Vì sao họ không chọn tiết kiệm tối đa? Độc giả Nguyen Xuan Nam nói về quan niệm sống của mình: "Tôi làm việc, kiếm tiền là để phục vụ nhu cầu của cá nhân và gia đình mình, chứ không vì ai khác. Một quốc gia mà ai cũng tiết kiệm sẽ làm tổng cầu giảm và hệ quả là nền kinh tế sản xuất sẽ lụi tàn. Các đợt suy thoái kinh tế hầu hết đều do nhu cầu mua sắm, tiêu thụ trên toàn thế giới giảm sút. Ở đây, tôi cũng thấy lạ là tại sao chúng ta lại không cho giới trẻ tự quyết định các tiêu tiền phù hợp với bản thân họ?".
Ủng hộ quan điểm sử dụng tiền bạc để phục vụ bản thân của giới trẻ, bạn đọc Ton Quyen phân tích: "Thế hệ trẻ bây giờ rất giỏi, năng động và kiếm được nhiều, thậm chí rất nhiều tiền. Vì thế, họ tiêu pha nhiều hơn cũng chẳng vấn đề gì, miễn đừng sa đà vào cờ bạc, hút sách. Kiếm tiền và tiêu tiền thế nào có lẽ họ còn giỏi hơn thế hệ đi trước. Không như ngày xưa, bố mẹ khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng. Mỗi thời một khác, chúng ta đừng vội đánh giá người trẻ hư hỏng, đua đòi. Thứ người trẻ thiếu chỉ là kinh nghiệm trong cuộc sống, sẽ được đúc rút dần theo năm tháng".
"Chỉ nên chỉ trích một số người chưa kiếm ra tiền mà đã lo hưởng thụ. Còn người đã đi làm, kiếm tiền, họ hưởng thụ như thế nào là việc của mỗi người. Một người độc thân và có gia đình đã có hai chiều suy nghĩ khác nhau. Đi du lịch hay mua sắm cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, chứ không phải chỉ là thể hiện lối sống sang chảnh. Nó thể hiện bạn biết quan tâm, chăm sóc cho bản thân mình.
Còn riêng về vấn đề đồ công nghệ, các mẫu điện thoại đời mới có rất nhiều tính năng tốt mà điện thoại đời cũ không làm được hoặc không đáp ứng hết được yêu cầu của con người. Chẳng lẽ cứ phải dùng mãi một chiếc điện thoại cũ đến lúc hỏng mới thay? Tùy vào nhu cầu, tôi cho rằng thay điện thoại mới cũng là chuyện rất bình thường. Giống như quần áo vậy, bạn chạy theo mốt cũng đâu có sai? Nếu ai cũng suy nghĩ tiết kiệm quá mức thì những người làm dịch vụ, công nghệ biết sống bằng gì?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.