Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Thành quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong những năm qua đã tạo ra thêm nhiều của cải, vật chất cho thế giới. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta quên mất một triết lý "đời sống càng phát triển, chúng ta càng phải sống tiết kiệm".
Trước hết, thử nghĩ lại, đã bao nhiêu lần bạn lãng phí đồ ăn trong một buổi tiệc? Đã bao nhiêu lần bạn ra khỏi phòng làm việc vài giờ đồng hồ mà quên tắt các thiết bị điện, rồi thờ ơ cho rằng "điện của công". Đã bao lần bạn lãng phí tiền bạc cho những hàng hóa không thiết thực? Đã bao lần ta phí phạm nước sạch khi chiếc vòi trong nhà vệ sinh rỉ nước bao ngày mà vẫn chưa được sửa chữa? Có bao giờ các bạn sinh viên tự hỏi mình đã lãng phí bao nhiêu thời gian của cuộc đời vào mạng xã hội, điện thoại thông minh và những trò chơi điện tử vô bổ, không mang lại ích lợi một cách thực tế?
Đọc báo, tôi bâng khuâng khi chứng kiến sự phân hóa ngày càng sâu sắc trong đời sống của nhiều quốc gia. Có những tài khoản mạng xã hội của biết bao "cậu ấm, cô chiêu" may mắn sinh ra trong những gia đình giàu có chỉ tràn ngập những tấm ảnh siêu xe hàng hiệu, những tủ giày đắt tiền đến cả trăm đôi, những chiếc túi xách với giá trị "trên trời" chỉ để chụp ảnh ngắm và rồi khép lại. Những bức ảnh nhận được hàng trăm lời bình luận, tán dương và thần tượng một cách "mù quáng".
Ngoài kia, mỗi tối, còn biết bao sinh viên mải mê tiêu phí thời gian với màn hình trò chơi điện tử ngoài tiệm Internet, mặc kệ bài vở, thi cử, "lò rèn tri thức nguội lạnh" với bao bộn bề nơi góc học tập. Trong khi đó, bốn mùa quanh năm, khi thì trời rét căm căm, có những người vô gia cư phải nằm ngủ ngay trên phố mà chỉ mong có một chiếc áo ấm hơn, một chiếc giường gỗ đủ để yên tâm chìm vào giấc ngủ. Khi thì trưa hè nắng gắt, những mảnh đời vất vả với cuộc sống mưu sinh bằng việc đánh giày trên phố, bán vé số mong có một bữa cơm trưa đủ đầy, một giấc ngủ êm đềm.
>> 'Xài hàng hiệu để không lãng phí thanh xuân'
Nhìn vào giá cả các sản phẩm, mặt hàng trên thị trường muôn màu hiện tại, có lẽ nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được lại có sự chênh lệch một cách phi lý như bây giờ khi so sánh với mức thu nhập trung bình của người dân Việt. Đơn cử như giá một chiếc điện thoại mới ra mắt của hãng điện thoại Apple lại có thể đủ sức mua một chiếc xe gắn máy loại tốt - là phương tiện mưu sinh đáng mơ ước của biết bao nhiêu người. Giá của nó bằng ba bốn tháng lương của một người làm công, bằng sinh hoạt phí của cả một gia đình dưới miền quê trong vài tháng.
Bất chấp tất cả, vẫn có rất nhiều người đặt mua, trong đó có cả những sinh viên, học sinh đang lứa tuổi đi học, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Suy cho cùng ngoài việc nghe, gọi, nhắn tin, truy cập mạng Internet tìm kiếm thông tin, chiếc điện thoại đó còn có gì thiết thực hơn nữa cho công việc, cuộc sống thường nhật chính chúng ta. Tại sao ta không thể suy nghĩ tích cực, tiết kiệm hơn trong việc lựa chọn?
Đó là sự lãng phí hiển nhiên ngay trước mắt, nhưng nhiều người trong số chúng ta vô tâm bỏ qua. Tôi tự hỏi rằng, liệu khi đặt mua những chiếc điện thoại có giá "trên trời" như vậy, có ai đó áy náy rằng ngay lúc này, những em bé thơ ở những tỉnh miền núi vùng cao như Cao Bằng, Hà Giang... đang cần lắm chỉ một tấm chăn, chiếc áo ấm, sách vở dụng cụ học tập để giấc mơ đến trường, giấc mơ đèn sách của các em được trọn vẹn thêm đôi phần?
Bớt chi tiêu, lãng phí tiền bạc vào một món đồ đắt tiền không đem lại nhiều lợi ích, thay vào đó, mua một món đồ với giá trị phù hợp hơn, để dành tiền bạc, sẻ chia, quan tâm đến những mảnh đời nghèo khó bất hạnh hơn ta, đó chính là nghĩa cử cao đẹp, là hiện thực hóa lối sống tiết kiệm. Đó mới chính là thước đo phẩm giá của một con người, là vũ khí sắc bén xóa nhòa sự phân hóa giàu nghèo giữa người và người trong xã hội, là tiền đề để hiện thực hóa nghĩa cử nhân ái "mình vì mọi người".
Trong khi viết nên những dòng tâm sự này, chính tôi đã vô cùng hối hận sau những lần lãng phí tiền bạc, thời gian trong cuộc sống của mình cho những điều không đáng. Tiết kiệm là đạo đức. Chúng ta không bao giờ được phép thờ ơ, vô cảm với triết lý sống ấy trong đời sống hiện tại. Hãy để ý thức tiết kiệm len lỏi vào trong suy nghĩ của mỗi người một cách tự nhiên, nuôi dưỡng sự trưởng thành, lối sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, để mỗi ngày sẽ ý nghĩa, đáng sống hơn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.