Lạm phát lối sống (lifestyle creep) đề cập đến hiện tượng chi tiêu và mức sống của một cá nhân tăng tỷ lệ thuận với thu nhập của họ. Sự gia tăng "chủ nghĩa tiêu dùng" từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh luận trong xã hội hiện đại. Có một ví dụ được nêu ra là khi bạn thấy nhiều đồng nghiệp trong công ty đều sử dụng iPhone 14 Pro Max. Tháng này sau khi được tăng lương, bạn dự định dùng 30 triệu đồng để mua. Tuy nhiên, nếu dùng số tiền trên để tiết kiệm và đầu tư sinh lời với lãi suất 10% một năm, sau 30 năm, bạn sẽ nhận hơn 520 triệu đồng. Vậy bạn sẽ lựa chọn phương án nào, có dùng lãi kép để tránh lối sống hoang phí?
Trả lời cho câu hỏi này, độc giả Ngoc Vy Kun nêu quan điểm: "Việc mua chiếc iPhone 14 Pro Max, ngoài sử dụng các tính năng cơ bản hằng ngày của một chiếc điện thoại, bạn còn có thể phục vụ cho công việc, kiểm tra email, đặt hàng online, nếu đi chơi xa có thể thay máy ảnh, máy quay phim... Ngoài ra, chiếc điện thoại đời mới còn có tác dụng của riêng nó, chứ không hề vô bổ, hay cứ phải cứ để tiền trong ngân hàng và hưởng lãi kép mới đem lại lợi ích.
Ở một khía cạnh khác, việc bạn cầm lãi kép sau 30 năm, cùng biết bao tiếc nuối về tuổi trẻ chưa chắc đã cho bạn cảm giác an lòng. Bởi không phải ai cũng biết đầu tư, nhất là đầu tư sinh lời với lãi suất 10% một năm. Nhiều người đầu tư không khéo còn mất hết. Khi đó, đến cái iPhone 14 Pro Max bạn cũng chẳng còn.
Do đó, việc chúng ta tiêu xài thế nào là quyền và tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Tất nhiên, bạn chỉ cần đừng quá lãng phí là được. Việc ăn tiêu quá đà và không có một khoản tiết kiệm nào là việc không bao giờ nên được cổ súy. Đừng YOLO mà đến lúc sau này phải hối tiếc vì đã không có một khoản tiền phòng thân nào. Tuy nhiên, biết tiết kiệm nhưng cũng đừng hà tiện quá mức, cái gì cũng không dám mua. Nếu cảm thấy bản thân đủ điều kiện để mua cái gì đó phục vụ cho bản thân (nhưng không dẫn đến mất cân bằng), tôi khuyên mọi người hãy mạnh dạn mua".
Đồng quan điểm, bạn đọc Lomcomer ủng hộ quan điểm sống phải biết hưởng thụ: "Chi tiêu hợp lý là được, đời sống vốn rất ngắn ngủi. Ví dụ bạn không bỏ 30 triệu đồng mua iPhone, để đến 30 năm để có số tiền lãi kép 520 triệu đồng, nhưng thử hỏi trong suốt thời gian ấy, bạn sẽ không có cơ hội hưởng thụ cuộc sống? Đợi đến lúc bạn qua đời, số tiền ấy có thành núi cũng không còn hữu dụng gì nữa. Theo tôi, làm 10 đồng, xài 6 đồng là hợp lý, chứ làm 10 đồng mà xài đến 9 hay cả 10 thì mới không nên".
>> Những Gen Z 'lương công nhân nhưng phải dùng iPhone, đi SH'
Phản đối tư tưởng sống tiết kiệm quá mức, độc giả Vu Lam Iris bình luận: "Thay vì hô hào người thu nhập tầm trung dè xẻn tiết kiệm từng niềm vui nhỏ trong cuộc sống, tôi cho rằng chúng ta nên nghĩ vì đâu mức lạm phát tăng cao, thu nhập tăng theo cấp số cộng còn giá cả tăng theo cấp số nhân, lừa đảo công nghệ cao gia tăng... Thế hệ trước thường có thói quen chỉ trích thế hệ trẻ không biết tiết kiệm, vun đắp cho tương lai, nhưng số đông người trẻ lại chỉ thấy tương lai mờ mịt, vô thường, nên họ mới có tư duy sống cho hôm nay".
Trong khi đó, nhìn nhận câu chuyện tiết kiệm và hưởng thụ dưới góc nhìn kinh tế, bạn đọc Trungacs phân tích: "Lối sống tiết kiệm ảnh hưởng khá nhiều đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt đối với những nền kinh tế đang phát triển. Nghĩ mà xem, nếu ai cũng tiết kiệm chi tiêu, không mua hàng hóa xa xỉ, doanh nghiệp cũng sẽ không sản xuất nhiều nữa, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, rồi không thể tiếp cận vốn vay, kéo theo lãi tiền gửi cũng sẽ giảm xuống. Chỉ một hành vi thôi nhưng có thể kéo cả nền kinh tế đi xuống, nên với Việt Nam, tôi cho rằng không nên quá khuyến khích mọi người tiết kiệm theo kiểu hà tiện".
Nhấn mạnh quan điểm không nên tiết kiệm quá mức, độc giả Kevin Du kết lại: "Xài tiền phung phí là không nên, nhưng tiết kiệm quá cũng không tốt cho bản thân và xã hội. Tại sao mỗi khi kinh tế suy yếu thì chính phủ các nước lại phải kích cầu tiêu dùng? Vì đơn giản anh bán rau tiết kiệm, không mua thịt của chị bán thịt, thì chị bán thịt không có tiền để mua cá, đến lượt anh bán cá không có tiền để mua quần áo, rồi chị bán quần áo lại không có tiền uống cà phê, rồi người trồng cà phê lại thua lỗ... Tôi chi tiêu, ngoài việc được thụ hưởng, còn giúp người khác có thu nhập, người khác có thu nhập họ lại chi tiêu để người khác nữa có thu nhập...Ssau một vòng tròn thì đó cũng là tạo thu nhập cho bản thân mình".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.