Thu nhập 30 triệu đồng một tháng nhưng chưa bao giờ tiêu đủ trong một tháng chứ chưa nói đến chuyện tiết kiệm cho tương lai, thậm chí còn phải dùng thêm thẻ tín dụng để chi tiêu trước và trả nợ sau... đó là lối sống của không ít bạn trẻ ngày nay. Sẵn sàng chi mạnh tay cho việc mua săn, ăn chơi, du lịch, hưởng thụ, được nhiều người xem là ưu tiên hàng đầu, theo tinh thần "YOLO" (you only live once - bạn chỉ có một lần để sống). Thế nhưng, cũng chính từ đây, nhiều trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra khi nhiều bạn có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu để rồi chưa hết tháng đã hết tiền, rơi vào cảnh nợ nần khi xảy ra biến cố. Phải chăng giới trẻ ngày nay đang tiêu xài hoang phí hơn các thế hệ trước?
Nói về vấn đề này, độc giả Lyhnca chia sẻ: "Tôi thấy sợ nhất mấy bạn lương công nhân mà ăn xài như đại gia, không biết dành dụm. Các bạn ra đường phải dùng iPhone, đi SH, ăn phải thật sang, mặc là phải hàng hiệu... Họ không hiểu rằng phải biết mình ở đâu và sống đúng với mức sống của mình thì mới có thể tiến lên được.
Sinh viên vừa ra trường, lương 'ba cọc, ba đồng', ráng làm thêm kiếm tiền những vừa dư được vài chục triệu là mua ngay chiếc Iphone 14 Pro max để cho sang với đời, kiểu đó làm sao giàu nổi? Hoặc có bạn không có tiền còn đi mua trả góp mới tức cười. Đang có công ăn chuyện làm ổn định, các bạn phải thủ sẵn một khoản dự phòng để nhỡ một ngày mai thất nghiệp không bị rơi vào cảnh trớ trêu".
Lý giải về xu hướng sống hưởng của một bộ phận lớn giới trẻ ngày nay, bạn đọc Tien cho rằng: "Thế hệ trước, do trải qua thời kỳ khó khăn quá nên đã biết vun vén, tiết kiệm và cho dù kinh tế. Bây giờ có khá lên nhiều nhưng họ vẫn giữ thói quen tiết kiệm như xưa. Ngược lại, thế hệ trẻ thời này sinh ra là đã được bọc trong nhung lụa, hoặc ít nhất cũng không đến nỗi khó khăn lắm nên cứ đua theo trào lưu xã hội, bạn bè xung quanh, ăn tiêu phung phí. Qua giai đoạn dịch bệnh vừa rồi và khủng hoảng kinh tế hiện này, hy vọng nhiều người sẽ rút cho mình chút kinh nghiệm sống. Thời nào cũng có lúc lên voi, lúc xuống chó, nên không thể chủ quan được".
>> 'Bất công khi nói Gen Z hoang phí hơn thế hệ trước'
Đánh giá quan điểm sống hưởng thụ từ sớm là một sai lầm, độc giả Vu Dat nhận định: "Giới trẻ thời nay bỏ tiền xài hàng hiệu để chứng tỏ bản thân, chứ họ không nghĩ làm thế nào để có cuộc sống đầy đủ, không nghĩ tới việc ăn uống mà nhịn để có tiền mua đồ hiệu, smartphone giá trên chục triệu đồng. Ra đường thì nhìn người này người kia so đo về giá trị bản thân, cái tư duy lấy vật chất làm thước đo là tư duy dở nhất mà đa số bạn trẻ Gen Z đang mang".
"Tôi từng nhiều lần góp ý về cách sống phung phí của các bạn trẻ nhưng họ lại tự ái. Cứ lo hưởng thụ thì đến năm 40 tuổi trở đi, sức khỏe giảm dần, lúc đó công nghệ mới, trào lưu mới sẽ chẳng còn là thứ hấp dẫn khiến bạn muốn khám phá nữa, và cuộc sống bắt đầu thu nhỏ về với thực tại. Nhìn sang các bạn cùng trang lứa, thấy họ đã có nhà cao, cửa rộng, xe đẹp, vợ trẻ, con khôn, tiền đầu tư kham khổ chắt bóp của họ ngày xưa giờ đã biến thành trang trại, resort nghỉ dưỡng, xe sang... Còn bạn chỉ có mỗi cái nồi cơm cũ cho qua bữa, sống cô độc... lúc đó các bạn sẽ thấm thía sai lầm thời trẻ của mình", bạn đọc
Nguyen Van Nham nói thêm.
Thấm thía cá giá phải trả vì lo hưởng thụ từ khi còn trẻ, độc giả Tran Nhat Tan kết lại: "Tôi may mắn có thu nhập cao hơn nhiều so với phần đông bạn trẻ. Nhưng ngay từ khi ở độ tuổi của các bạn, lúc chưa có gia đình, tôi cũng mải mê ăn chơi, chi tiêu, hưởng thụ nên dù thu nhập rất cao cũng không bao giờ có dư. Khi lớn tuổi hơn một chút, tôi kiểm tra lại tài sản của mình, bỗng giật mình nghĩ tại sao tôi thu nhập cao như vậy mà vẫn không thể có dư?
Kể từ đó, tôi quyết định sau này, khi chi tiêu gì cũng phải suy nghĩ kỹ, không mua vô tội vạ, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu của bản thân. Dĩ nhiên, mọi chi phí sinh hoạt cơ bản trong gia đình tôi vẫn chi trả hết, chi tiêu cho gia đình tôi không tiếc gì cả. Tôi chỉ thắt chặt chi tiêu của bản thân, mua gì cũng tìm hiểu kỹ. Bây giờ, khi đã đứng tuổi một chút, tôi thấy tôi thật may mắn vì đã sớm kiểm soát sớm chi tiêu, chứ không thì có lẽ giờ này vẫn hoang mang, vô định".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.