Ngày càng nhiều người trẻ tuổi từ khắp thế giới tỏ ra mệt mỏi và chán cảnh vật lộn với hàng loạt vấn đề kinh tế nổi lên xuyên suốt dịch Covid-19. Hàng triệu người đang hướng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Chẳng hạn như chuyển từ các việc làm truyền thống sang việc làm trực tuyến bớt căng thẳng hơn, hoặc thậm chí là lối sống "nằm yên kệ đời", "bỏ việc âm thầm", rút hoàn toàn khỏi lực lượng lao động.
Cá nhân tôi cho rằng, xu hướng này là một điều tất yếu, kể cả với xã hội Việt trong tương lai. Nói về vấn đề này, Nhật Bản có lẽ đã đi trước chúng ta một bước dài. Những ai nghiên cứu một chút về xã hội Nhật Bản hẳn sẽ thấy hiện tượng này không có gì xa lạ.
Anh rể tôi cũng là một người Nhật. Bố mẹ của anh chuyển từ Hokkaido về Saitama sinh sống và làm việc để tìm kiếm cơ hội. Sau khi đã yên ổn cuộc sống, họ sinh ra hai người con, cũng chính là thời điểm Nhật Bản bước vào thời kỳ kinh tế đi ngang, dân số đi ngang và xu hướng giảm từ năm 1993 đến giờ.
Xuất phát từ bối cảnh xã hội đó, cả anh rể tôi và em gái của anh đều có tâm lý sống cân bằng, không cần phải nỗ lực quá mức. Họ quan niệm, căn nhà tại Saitama rồi cũng sẽ là của họ sau khi bố mẹ qua đời, thế nên họ cũng không nhất thiết phải cố gắng hết sức để mua thêm một căn nhà nữa làm gì. Chính phủ Nhật Bản hiện cũng đang rất đau đầu vì gần 10 triệu căn nhà không có người, thế nên thử hỏi việc gì họ phải cố gắng làm để mua nhà nữa?
>> Tôi không chờ đến già mới lo hưởng thụ
Tất nhiên, họ cũng làm việc mỗi ngày như bao người bình thường khác, nhưng tâm lý rất bình thản, làm hết giờ là về nhà, dành thời gian ăn, ngủ, chơi game, để lấy lại năng lượng cho ngày mai đi làm thêm chút đỉnh. Họ không mong muốn có con, vì kinh tế đất nước vẫn cứ ảm đạm, việc sinh thêm em bé sẽ chỉ càng khiến cho cuộc sống của họ thêm cực mà thôi.
Nhìn chung, về bản chất, đây có thể xem là giai đoạn lấy lại cân bằng của mọi xã hội, mọi nền kinh tế, để chữa lành vết thương sau một giai đoạn bùng nổ phát triển, để lại nhiều hệ lụy về mất cân bằng cuộc sống, mất cân bằng xã hội.
Đến giờ, tôi vẫn nghiên cứu khá kỹ về đất nước Nhật Bản, để xem thử khi dân số của họ giảm về một mức nào đó, thì liệu tình hình có đảo chiều hay không? Liệu khi đó, người ta có thấy cuộc sống giảm bớt áp lực, cảm thấy nhiều năng lượng hơn để nỗ lực, phấn đấu, và cuộc sống xã hội có thể bước vào một chu kỳ phát triển mới hay không?
Câu trả lời có lẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng. Còn với chúng ta, đây cũng sẽ là thứ mà người Việt phải đối mặt và chấp nhận để tìm cách thích ứng trong bối cảnh xã hội mới đang thay đổi mỗi ngày.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.