12 quận nội thành Hà Nội chỉ chiếm 9% diện tích nhưng "gánh" trên 45% dân số Thủ đô, khoảng 3,8 triệu. Tại các quận nội đô mở rộng như Hà Đông, Hoàng Mai, dân số thậm chí tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Mật độ dân số nội đô hiện đạt 22.000 người/km2, gấp đôi so với trước thời điểm Hà Nội mở rộng. Riêng quận Hai Bà Trưng là 29.000 người/km2, Đống Đa 37.800 người/km2, thuộc loại cao nhất thế giới. Ở đây, phần lớn là gia tăng dân số cơ học từ người nhập cư, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, nhà ở...
Cho rằng vấn đề của Hà Nội là lượng người ngoại tỉnh đổ về quá lớn, độc giả Papyrus nhận định: "Mở rộng bao nhiêu cũng vậy khi ai cũng muốn đổ về Hà Nội. Nhiệm vụ quan trọng là các tỉnh xung quanh phải phát triển tiệm cận với Thủ đô. Tất nhiên, điều đó cũng không hề đơn giản vì bản thân Hà Nội đã tập trung rất nhiều nhân tài, nguồn lực xã hội".
Nhấn mạnh vai trò của việc giãn dân nhằm giảm bớt gánh nặng dân số cho Hà Nội, bạn đọc Pham Tuan phân tích: "Chúng ta cần phải làm nhanh và mạnh hơn nữa thì mới giãn được dân ra khỏi vùng lõi trung tâm. Sau 15 năm, giao thông công cộng của chúng ta đã làm được gì khi dự án đường sắt vẫn chậm? Chúng ta chuyển được bao nhiêu trường đại học ra ngoài vùng trung tâm?
Các huyện ngoại thành của Hà Nội vẫn còn rất nhiều dư địa để giãn dân, tại sao lại không hấp dẫn người dân chuyển ra? Đó là vì khả năng kết nối ở những khu vực đó còn quá kém, hạ tầng không được đầu tư, làm sao thu hút dân đến ở? Như khu vực Thanh Oai đất mênh mông nhưng bao nhiêu năm nên vẫn là đồng không mông quạnh, hạ tầng giao thông không phát triển, trong khi vị trí chỉ cách Ngã Tư Sở khoảng 10 km".
Đồng quan điểm, độc giả Tuan Linh nói về những bất cập trong quy hoạch giãn dân của Thủ đô: "Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội đã được tròn 15 năm, nhưng Thủ đô vẫn quá tải. Tôi cũng không rõ là 15 năm đó, Hà Tây được quan tâm, phát triển ra sao, giãn dân thế nào, nhưng khu Hoài Đức tôi ở có tốc độ phát triển về dân cư, hạ tầng rất hạn chế: chung cư, biệt thự, quy hoạch mà không có dân đến sinh sống.
Giãn dân nhưng các trường Đại học, Cao đẳng vẫn trong nội thành, lượng sinh viên hàng năm lên thành phố học rất nhiều, chỉ có vài trường phía ngoại thành như khu Hòa Lạc, Đại học Nông Nghiệp, Đại học Lâm Nghiệp. Còn chưa kể đến việc quy hoạch dày đặc các chung cư trong nội đô. Quy hoạch, thẩm định hay phê duyệt, xây dựng còn có nhiều điều không ổn, ví dụ như trục đường Lê Văn Lương, cả tuyến đường mọc lên các tòa nhà san sát nhau che kín mặt trời. Tóm lại, muốn giảm tải cho nội thành thì ngoại thành phải có sức hút".
>> Sáp nhập Hoàn Kiếm vào quận nào?
Thấm cảnh tắc đường mỗi khi đi vào nội đô, độc giả Tat Baso bày tỏ nỗi trăn trở: "Sau 15 năm sáp nhập Hà Nội, trung tâm ngày một tắc, hạ tầng có phát triển hơn chút ít nhưng không đua được với tốc độ gia tăng dân số. Còn khu vực Hà Tây cũ, cơ sở hạ tầng không mấy thay đổi, nhất là hạ tầng giao thông. Những ai ở các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín... có thể thấy rõ điều này.
Trước đây có đề án xây dựng các đô thị vệ tinh để giảm tải cho trung tâm, nhưng sau nhiều năm không cải thiện được nhiều. Để xây dựng Hà Nội trở thành thủ đô văn minh, hiện đại so với các nước ở Đông Nam Á, tôi nghĩ cần làm mạnh hơn nữa việc đưa hết các trường đại học ra ngoại thành, các bến xe quy hoạch ra thật xa (Mỹ Đình mới được vài năm những đã thấy lỗi thời), các bệnh viện cũng phải chuyển ra ngoại thành...".
Cảnh báo về tốc độ xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, bạn đọc Nguyễn Đình Mùi bình luận: "15 năm trước, tôi đứng ở Thanh Xuân Bắc là thấy đỉnh núi Ba Vì cao hơn 3.000 mét. Còn bây giờ, tôi leo lên tầng 11 cũng chỉ thấy toàn chung cư, cao ốc chắn hết tầm nhìn. Tốc độ xây nhà chung cư đặc kín phía Tây - Tây Bắc, đứng trên cao nhìn ra xa thấy toàn chung cư cao 35-45 tầng san sát nhau. Như vậy đừng hỏi sao đường không tắc?".
Trong khi đó, nhìn nhận câu chuyện dưới góc độ giao thông, độc giả Tran Thanh Cong đề xuất giải pháp để giảm tải cho Hà Nội: "Không có cách nào khác là phải phát triển phương tiện công cộng để giảm phương tiện cá nhân. Nếu người dân đều đi tàu điện trên cao, tàu điện ngầm thì tắc ở đâu? Còn nhiều người kêu Hà Nội nhiều ngõ ngách thì đưa các xe điện chở khách cỡ nhỏ làm trung chuyển gom khách. Ở nước nào cũng vậy, đã đi phương tiện công cộng là phải đi bộ, thậm chí nửa km đến một km là bình thường, không có nước nào xây ga tàu trước mỗi nhà, mỗi ngõ. Nhiều người cứ kêu phương tiện công cộng không tiện, đổ lỗi không đi bộ được, vậy thì cứ mãi đi xe máy sao?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.