Đọc nhiều tranh luận về chủ đề "lương sinh viên mới ra trường", tôi cho rằng chúng ta nên phân biệt rõ đối tượng nhắm đến ở đây người mới nhận bằng hay người mới tốt nghiệp?
Thực tế, có rất nhiều vinh viên giỏi thực chất và có tầm nhìn định hướng sự nghiệp ngay từ năm thứ hai, thứ ba đại học. Những người này đã tìm các công ty, doanh nghiệp liên quan đến ngành mình học và xin làm thêm, thực tập, chấp nhận mức lương thử việc rất thấp để tích lũy kinh nghiệm và học thêm các kiến thức thực tế.
Tới năm thứ tư, thứ năm, họ nhận bằng tốt nghiệp, cũng được coi là sinh viên mới ra trường, nhưng lại có một bản CV rất đẹp, với hai, ba năm kinh nghiệm thực tế. Với tôi, những người này, có đủ điều kiện đòi hỏi mức lương nghìn đôla và hoàn toàn xứng đáng với yêu cầu đãi ngộ như vậy.
Nhưng tất nhiên, không phải sinh viên nào cũng làm được như vậy để đưa ra đòi hỏi mức lương cao khi mới ra trường. Đa số sinh viên Việt Nam lại không được như thế. Nhất là các sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà nghèo, lại thường chọn các công việc làm thêm với mục đích kiếm tiền nhanh như chạy bàn, gia sư, phục vụ, shipper, chạy xe ôm công nghệ...
Không thể phủ nhận, những công việc này không đòi hỏi trình độ, tiền tươi thóc thật, có thể giúp các bạn đỡ đần kinh tế cho cha mẹ. Một số bạn sinh viên có điều kiện khá hơn, được bố mẹ nuôi ăn học, thì ngoài giờ học chính ra, lại đốt thời gian cho các thú vui giải trí, hội nhóm, câu lạc bộ các kiểu...
Thế nhưng, đổi lại, tới khi ra trường, những bạn trẻ này chẳng có gì ngoài một mớ lý thuyết suông (đôi khi là chẳng có gì trong đầu, vì toàn học để thi chứ không phải học để biết, để hiểu). Những sinh viên này ra trường đúng nghĩa là không có chút kinh nghiệm gì trong tay, nhiều khi đến cái mail cũng không biết trình bày, bản báo cáo không biết thể hiện... Những cái đó được xem là kỹ năng mềm, thế nên đừng đổ thừa là nhà trường không dạy.
>> 'Sinh viên mới ra trường nên chấp nhận lương 7-8 triệu'
Cá biệt, có một số trường hợp mà chính tôi từng trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng, các sinh viên này du học chuyên ngành xây dựng ở nước ngoài về, nhưng khi tôi đưa bản vẽ test thử thì họ không biết xem, tôi hỏi những kiến thức cơ bản họ cũng biết gì để trả lời. Nhưng lạ ở chỗ, họ vẫn tự hào ta đây đi du học, có bằng ở nước ngoài, rồi đòi hỏi mức lương trên trời.
Tôi nói vậy không có nghĩa là định kiến gì với các bạn du học sinh. Bản thân tôi thực ra cũng thuộc nhóm sinh viên thứ hai như đã đề cập phía trên. Hồi đại học, ngoài việc học trên giảng đường, tôi chỉ cắm đầu vào các hoạt động Đoàn hội, chơi game, hoặc làm ba thứ công việc chân tay kiếm thêm thu nhập cho bằng bạn bằng bè. Khi đó, tôi hoàn toàn không biết suy nghĩ gì cho tương lai của mình. Thế nên, lúc ra trường, tôi đã khởi đầu với một mức lương hết sức cơ bản.
Cũng may, nhờ có năng lực và ý chí nỗ lực phấn đấu, tôi mới lên được vị trí quản lý của một team vừa phải. Nghĩ lại, nếu không lãng phí những năm tháng đại học vào những thứ vô bổ kia, có lẽ sự nghiệp của tôi đã có thể cao và xa hơn nhiều rồi. Tiếc nuối thanh xuân, tôi chỉ còn biết tự hứa với lòng mình, rằng sau này có con, tôi nhất định sẽ hướng chúng ưu tiên đi làm đúng chuyên môn, chịu khó va chạm ngay từ khi còn đi học. Như vậy, chắc chắn con tôi sẽ trưởng thành hơn và tiến xa trên con đường sự nghiệp của chúng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.