Giáo dục Mỹ theo khuôn xã hội Mỹ không hoàn hảo như nhiều người nghĩ. Trẻ cấp một học theo chương trình Mỹ thường rất nhàn, học kiểu gì cô thầy cũng khen. Tuy nhiên khi tốt mặt này sẽ lại hại mặt khác.
Tôi có một lý do duy nhất và rất quan trọng để lý giải cho việc tại sao phải cho trẻ làm bài tập về nhà? Đó là nó sẽ giúp tạo cho các con thói quen tự học tại nhà sau bữa cơm tối. Chúng ta cần cho trẻ một lý do để chúng ngồi vào bàn học mỗi tối để tập thói quen tự học ngay từ nhỏ.
Vi dụ, lớp 1, giáo viên có thể yêu cầu "con phải tô cho xong mấy chữ này, mai nộp cho cô"; lớp 2, 3 có thể yêu cầu "con phải đọc cho xong câu chuyện này, mai kể cho cô nghe". Những dạng bài tập thế này chỉ tốn chừng 30 đến 45 phút chứ không hề quá sức. Quan trong nhất là điều này sẽ khiến con phải ngồi vào góc học tập mỗi tối thay vì mải mê chơi, xem tivi, điện thoại giết thời gian.
Trước đây, tôi cũng băn khoăn liệu có nên cho con tự do học tập theo ý chúng, miễn sao nó hạnh phúc. Thế nhưng tôi thấy điều đó không thật đúng. Theo tôi, không được gây áp lực quá nhưng cũng phải ép từ từ cho con vào khuôn, "khổ trước sẽ sướng sau". Đứa bé sướng quá, sau này sẽ khổ, không có học sinh nào không học mà thành công cả.
Một nhà giáo dục từng thừa nhận: "Năm 2002, Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh chương trình cải cách giáo dục theo triết lý 'giáo dục hạnh phúc' nhằm ươm mầm tài năng sáng tạo, nhưng kết cục lại rất bi đát. Những đứa trẻ được hưởng nền giáo dục này khi lớn lên sẽ chỉ biết hưởng thụ, hoàn toàn không quan tâm tới tương lai. "Chúng chỉ quan tâm đến những thứ trong bán kính ba mét tính từ tâm vòng tròn, nghiện Internet và game. Không những không muốn làm việc mà còn lười nói đến chuyện yêu đương khi trưởng thành".
Điều này cho thấy những nghi ngờ của tôi là có cơ sở. Thế nên, tôi bảo lưu ý kiến rằng phải ép tụi nhỏ học nhưng là mức độ vừa phải, phù hợp, không ép vì thành tích học tập của con mà ép để tạo thói quen tốt cho chúng sau này và cũng phải tuỳ tính cách mỗi đứa trẻ mà đưa ra một tác động phù hợp.
>> Theo bạn, có nên giao bài tập về nhà cho học sinh? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.