Ngày 5/10, trong công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo Bộ yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục sao cho hợp lý về nội dung và thời lượng giữa các môn học, hoạt động giáo dục nhằm không gây quá tải cho học sinh lớp 1. Thời khóa biểu phải tính toán phù hợp với tâm sinh lý trẻ.
Bộ cũng đề nghị giáo viên phải "giúp đỡ học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp, không giao thêm bài tập về nhà cho các em", đồng thời tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình. Nhà trường cần tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ giáo viên và phối hợp với nhà xuất bản, trường sư phạm để bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên.
Năm 2020-2021, chương trình, sách giáo khoa mới được áp dụng với lớp 1. Ngay sau khai giảng năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra, khảo sát ở một số địa phương và nhận thấy các trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 phù hợp. Giáo viên được đánh giá là "đã bắt đầu áp dụng được phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh".
Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh cho rằng chương trình và sách mới quá "nặng", tốc độ dạy học quá nhanh, khiến học sinh mệt mỏi. Nếu không có người lớn kèm cặp, hỗ trợ, trẻ sẽ không thể làm được bài. Nhiều giáo viên cũng phải thừa nhận "đuối sức" khi dạy theo chương trình và sách giáo khoa mới bởi nhịp độ bài học nhanh, học sinh không kịp nhớ mặt chữ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hai lần thẩm định sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Có 45 cuốn ở 9 môn học và hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng phê duyệt. Môn Tiếng Việt có 5 cuốn, trong đó 4 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một cuốn của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM.
Trước đó, theo chương trình cũ, học sinh cả nước dùng một bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.