Hà Nội sắp ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197. Đây không phải lần đầu tiên thành phố tuyên chiến với vi phạm trật tự lòng lề đường, nhưng vẫn chưa bao giờ thành công với các chiến dịch truyền thống kiểu này. Tình trạng tương tự lặp lại ở TP HCM hay các đô thị khác, và kết quả vẫn không thay đổi khi cứ hết đợt ra quân là đâu lại vào đấy.
Vậy, phải chăng vấn nạn chiếm dụng vỉa hè, lòng lề đường không thể tìm được cách giải quyết triệt để? Độc giả Citizen chỉ ra gốc dễ của vấn đề: "Trong khu phố, hẻm xe hơi, dễ dàng nhận thấy nhà nhà bày bán những món quà ăn vặt như trà sữa, bánh tráng trộn, trừng vịt lộn... có bàn ghế cho khách ngồi ăn. Thời gian đầu mới xuất hiện kinh doanh trên vỉa hè, các phường, xã thường thiếu sự quan tâm, nhắc nhở. Nên sau một thời gian, người ta thấy bán được, cửa tiệm cứ thế phình to thêm và những nhà xung quanh cũng đua theo, chiếm dụng hẻm hay lề đường để buôn bán. Đến khi địa phương nhận ra vấn đề, muốn dọn dẹp vỉa hè, sẽ vô tình đụng chạm vào 'lợi ích' của những hộ kinh doanh từ lâu đời.
Đó là lý do hình thành nên tâm lý 'buôn có bạn, bán có phường'. Ta cứ nhìn những hộ kinh doanh ở mặt tiền, thường cố gắng trưng bày sản phẩm ngược chiều xe chạy, che kín lề đường, nên khách bộ hành đành phải đi xuống lòng đường. Nhiều câu khẩu hiệu như 'Lề đường dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho xe cộ lưu thông' được giăng ra, nhưng người dân buôn bán lại có chung suy nghĩ rằng 'tiệm A bày được thì tôi cũng bắt chước làm theo'.
Tóm lại, đây là câu chuyện diễn ra thường xuyên ở ta. Muốn cho đường thông hè thoáng, trước hết, chính quyền các thành phố lớn cần phải kiên quyết dẹp ngay vấn nạn chiếm dụng lề đường và mặt bằng hẻm, lập biên bản phạt hộ kinh doanh nào vi phạm, duy trì kiểm tra, xử lý thường xuyên, từ đó giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành".
Đánh giá về chất lượng các chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở nhiều địa phương thời gian qua, bạn đọc Btthanh nhận định: "TP HCM hay Hà Nội cũng phát động phong trào giành lại vỉa hè rất nhiều lần nhưng rồi sao, cũng chẳng đi tới đâu hết. Tất cả vẫn hầu như là bắt cóc bỏ đĩa. Các hàng quán vẫn ngang nhiên lấn chiếm lề đường để bán buôn mưu sinh hay để giữ xe cho khách vào ăn.
Một phần nhỏ trong số đó là do ý thức kém, còn phần lớn người ta quan niệm rằng 'mình thuê mặt bằng để buôn bán, kinh doanh, xung quanh người ta lấn chiếm được, vậy thì sao mình không làm được?'. Lấy ví dụ là con đường Tô Hiến Thành, TP HCM, việc chiếm dụng vỉa hè đến nay vẫn liên tục diễn ra, đặc biệt là buổi chiều, tối tại nút giao Tô Hiến Thành - Cách Mạng Tháng Tám.
Nói đến chuyện này, bản thân tôi không khỏi chán nản vì nói mãi rồi. Nhưng nếu không nói ra thì lại tức trong lòng. Mấy ai lái xe mà chưa từng thắng gấp vì người đi bộ trước mặt đi xuống lòng đường. Cũng chẳng trách họ được vì các hàng quán, gửi xe mặc nhiên chiếm sạch lề đường rồi. Ai đi trên lề đường, nếu không vào quán của họ, cũng được bảo vệ đề nghị khéo 'đi xa ra để tránh xe lên xuống'. Như vậy khác nào bảo người ta nên đi bộ xuống lòng đường?".
>> Để xe trên vỉa hè - người bị phạt, kẻ hái ra tiền
Trong khi đó, nhìn nhận câu chuyện dưới một góc nhìn khác, độc giả Hachi đặt dấu hỏi về những giải pháp đảm bảo an sinh xã hội cho người kinh doanh sau khi dọn dẹp vỉa hè: "Khi làm chính sách quản lý, các địa phương và nhà nước đều phải xem xét hiệu quả và hậu quả của chính sách đó tác động như thế nào đến những bên liên quan, trên các mặt khác nhau (sức khỏe, trật tự, môi trường, xã hội). Không ai chối cãi được những hiệu quả của việc quản lý tốt vỉa hè, giảm rác thải, dọn dẹp cảnh quan, giảm tiếng ồn, tăng cường an ninh trật tự, tăng thu nhập bền vững cho du lịch...
Tuy nhiên, về mặt xã hội, hầu hết việc lấn chiếm vỉa hè là do những cá nhân và hộ gia đình nhỏ lẻ mưu sinh. Một phần lớn trong số đó không có khả năng hoặc lựa chọn công việc khác. Nếu họ không bám vỉa hè để sinh sống được nữa hoặc phải trả một khoản phí lớn từ thu nhập, thì nhà nước cũng phải có phương án cho họ. Mà số lượng này lại đang tăng chứ không giảm, do nhân lực sản xuất vừa qua bị đào thải rất nhiều.
Thế nên, buôn bán vỉa hè gần như là lựa chọn đầu tiên và duy nhất của họ. Ngoài ra, cơ chế quản lý trật tự bất thành văn theo kiểu bảo kê ở các phường, xã cũng không phải hiếm. Tóm lại, muốn quản lý vỉa hè, chúng ta còn phải có phương án để giáo dục, sửa đổi, huấn luyện đội ngũ quản lý trật tự đó nữa".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Xuân Điệp nhấn mạnh: "Tôi tin rằng, muốn cấm, muốn giành lại vỉa hè, thì cứ quyết tâm làm là sẽ được. Nhưng quan trọng là cấm như vậy thì chúng ta sẽ được gì và mất gì? Liệu có nhất thiết phải cấm hay có giải pháp nào tốt hơn không?
Ở Việt Nam có một văn hóa mà tôi gọi là 'lao ra đường'. Nó thể hiện rất rõ ở câu nói: "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ". Đấy là lý do tại sao cứ ở khu vực đông dân là chúng ta mất vỉa hè. Mọi người luôn tìm cách càng gần đường càng tốt, kể cả xây nhà cũng cứ phải gần đường lớn. Có cửa hàng đàng hoàng vẫn phải có cái gì đó gần đường, nhất từ quầy hàng đến biển hiệu. Chợ to, rộng rãi thoải mái thì không ngồi, cứ muốn ra đường cho tiện, chiếm luôn cả một phần lòng đường, có bóng an ninh trật tự thì dọn vào, lực lực tuần tra đi mất lại kéo ra, rất bát nháo.
>> 'Cấm xe máy để trả lại vỉa hè cho người đi bộ'
Tất cả là vì gần đường thì tiện, khách muốn tiện mà người bán cũng muốn nhanh hết hàng, vì vậy ai nhô ra đường gần nhất là đắt khách nhất. Việc tiện này thể hiện rất rõ ở việc các thương hiệu thức ăn nhanh gần không có cơ hội cạnh tranh ở Việt Nam - nơi mà đồ ăn vỉa hè luôn thống trị. Người Việt muốn mua đồ ăn chỉ thích tạt xe vào lề đường không đến năm phút là có đồ mang đi, mà không cần xuống xe.
Vậy bây giờ đặt ra một tình huống là nếu mọi hàng quán vỉa hè đều dọn vào trong nhà hết thì thời gian mua đồ sẽ thành bao nhiêu phút? Người dân sẽ phải đậu xe, rồi vào mua đồ, nhưng liệu với quy hoạch như các thành phố hiện tại, chúng ta có đủ chỗ cho người dân đỗ xe và chờ đợi? Tôi chỉ ví dụ một tình huống như vậy để thấy chuyện giành lại vỉa hè còn nhiều vấn đề lắm chứ không đơn giản cứ dẹp là xong".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.