Tình trạng hàng loạt ôtô đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc diễn ra ngày càng nhiều trên đường Việt, điển hình như tại khu vực đường Vành đai 3 trên cao tại Hà Nội. Để ý những trường hợp vi phạm giải thích cho hành vi đi sai luật của mình, tôi thấy có một điểm chung, đó là hầu hết người vi phạm đều lấy lý do: vì đường tắc quá, đi vào làn khẩn cấp cho thoáng và để dòng xe lưu thông nhanh hơn. Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến trường hợp người đi xe máy leo vỉa hè mỗi khi tắc đường với cùng một lý do như vậy.
Cá nhân tôi cho rằng, những lời biện minh ấy thật nực cười và rất vớ vẩn.
Nên nhớ, quy định phân làn khẩn cấp là thông lệ quốc tế cả, không phải riêng Việt Nam mới làm vậy. Làn đó phải dành cho các trường hợp xe gặp sự cố, tai nạn giao thông, cứu thương, cứu hỏa... chứ không phải cứ thấy đường ùn tắc là lại nối đuôi nhau chen vào làn khẩn cấp để đi cho nhanh. Cứ hình dung xe nào cũng chiếm làn khẩn cấp, đến khi có xe khác gặp sự cố không có chỗ đậu, hoặc xe cấp cứu, cứu hỏa cần được ưu tiên lại không có lối đi, phải nối đuôi theo các xe khác, khi đó giao thông sẽ hỗn loạn thế nào?
Có người lý luận rằng, đường Vành đai 3 trên cao chỉ có ba làn (hai làn xe chạy và một làn khẩn cấp) nhưng tình trạng hai xe tải, xe đầu kéo đi chậm, dàn hàng ngang thường xuyên diễn ra khiến các xe phía sau cũng phải chạy chậm theo, nếu không đi vào làn khẩn cấp thì không lẽ cứ phải nối đuôi nhau suốt hay sao? Câu trả lời là đúng. Không có điều luật nào cho phép bạn được tự ý vi phạm luật. Xe nào dàn hàng ngang, đi không đúng tốc độ quy định sẽ bị xử phạt, còn bạn cũng vin vào đó để vi phạm theo một cách khác thì cũng đừng trách nếu bị lập biên bản sau đó.
Câu chuyện xe máy leo vỉa hè cũng vậy. Điều tiết giao thông là trách nhiệm và nhiệm vụ của lực lượng CSGT. Đường có ùn tắc thì bạn vẫn phải xếp hàng và chấp nhận, tuân thủ mọi yêu cầu của lực lượng chức năng. Đừng tự cho mình cái quyền leo lên vỉa hè, cướp đường của người đi bộ, rồi vỗ ngực "đi như vậy mới nhanh hết tắc, xếp hàng thì đến bao giờ?". Tôi rất dị ứng với tư tưởng tùy tiện, làm quyền đấy của nhiều người Việt. Nếu ai cũng lấy cái sai của người khác để bào chữa cho cái sai của mình, thì còn gì là trật tự xã hội, bảo sao đường phố không loạn?
>> Xe buýt hung hăng chiếm làn xe máy
Nhìn sang đường phố của nhiều nước phát triển trên thế giới, chuyện tắc đường tại các đô thị hay đường cao tốc cũng chẳng phải chuyện gì quá xa lạ. Có điều, không như ở ta, người nước ngoài chọn cách bình tĩnh xếp hàng và chờ đợi, tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ không "khôn lỏi" như nhiều người Việt - vô tư phạm luật mà cứ nghĩ mình khôn ngoan.
Để người tham gia giao thông ở Việt Nam hiểu và có ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn, tôi cho rằng cần nghiêm khắc hơn trong việc phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm. Hiện nay, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ một đến ba tháng. Tôi cho rằng mức phạt này còn quá nhẹ và thiếu tính răn đe. Trong khi đó, đây lại là hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Do đó, việc cần làm để lập lại trật tự giao thông đó là tăng mức xử phạt lên nhiều lần (tăng tiền phạt, tước bằng lái vĩnh viễn...), bố trí thêm lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên lập chốt xử lý vi phạm, lắp đặt ngay hệ thống camera giao thông để phạt nguội nhằm tránh bỏ sót sai phạm. Nếu làm một cách toàn diện và đồng bộ như vậy, tôi tin tình trạng chiếm làn khẩn cấp sẽ sớm bị ngăn chặn triệt để.
Nên nhớ rằng, những người đi vào làn khẩn cấp hầu hết đều biết sai nhưng vẫn cố tình vi phạm (vì ít bị xử lý), thế nên, chúng ta càng không được phép nhân ngượng với những cá nhân vô ý thức này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.