Gần đây, tôi có nghe bạn bè nói nếu đạp xe trên 3 tiếng mỗi tuần thì có thể bị rối loạn cương dương nên khá phân vân. Rất mong bác sĩ chia sẻ về vấn đề này. (Anh Hùng, Hà Nội)
Trả lời
Đạp xe là môn thể thao có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện thể lực, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, gia tăng sức mạnh cơ bắp chân, giúp đốt cháy calo dư thừa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học cho thấy, nam giới thường xuyên đạp xe trong thời gian dài, trên yên xe cứng có thể mắc rối loạn cương dương.
Theo một nghiên cứu khoa học thực hiện bởi trên 1.709 nam giới thường xuyên sử dụng xe đạp (bao gồm mục đích tập luyện, di chuyển), những người đạp xe trên 3 tiếng mỗi tuần có nguy cơ mắc rối loạn cương dương. Những người đạp ít hơn 3 giờ mỗi tuần hoặc chỉ thỉnh thoảng sử dụng có ít nguy cơ mắc tình trạng này hơn. Thậm chí việc đạp xe vừa phải có thể giúp ngăn ngừa rối loạn cương dương.
Một trong những giả thuyết về mối liên hệ này cho rằng tư thế đạp xe lâu gây áp lực lên dây thần kinh pudendal (thần kinh thẹn), đóng vai trò truyền tín hiệu từ dương vật đến não. Khi ngồi trên yên xe đạp cứng và hẹp thời gian dài, dây thần kinh này bị chèn ép, cản trở quá trình truyền phát tín hiệu giữa não và bộ phận sinh dục, từ đó giảm cảm giác và gây ra rối loạn cương dương.
Ngoài ra, tư thế ngồi đạp xe sẽ gây áp lực lên khu vực sàn chậu, làm giảm lượng máu và oxy cung cấp đến dương vật, có thể gây rối loạn cương dương. Bên cạnh đó, áp lực từ trọng lượng cơ thể cùng với kết cấu yên xe hẹp với đầu mũi gồ lên có thể làm tổn thương các động mạch và dây thần kinh của bộ phận sinh dục nam.
Để giảm thiểu rủi ro rối loạn cương dương, bạn nên sử dụng các loại xe đạp có phần yên xe rộng, êm, có thêm lớp đệm để hỗ trợ khu vực sàn chậu. Đồng thời đảm bảo yên xe có độ cao phù hợp. Nếu chân phải duỗi thẳng hoàn toàn khi đạp xe, bạn nên điều chỉnh lại độ cao, vì hai chân duỗi thẳng sẽ tạo áp lực lên bộ phận sinh dục. Với tay lái, việc nghiêng người về phía trước giúp giảm áp lực lên đáy chậu.
Bạn cũng nên mặc quần có lớp đệm để bảo vệ đáy chậu và bộ phận sinh dục. Nếu tham gia đạp xe đường dài, bạn nên nghỉ giải lao thường xuyên, thay đổi vị trí trên xe đạp, tránh duy trì một tư thế duy nhất trong suốt hành trình tập luyện. Nếu gặp các triệu chứng như tê, ngứa, bạn nên ngừng tập luyện cho đến khi tình trạng được cải thiện và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Bác sĩ Phạm Xuân Long
Khoa Tiết niệu - Nam học, BVĐK Tâm Anh TP HCM