"Tôi vừa trả lại hai mặt bằng kinh doanh vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài. Tôi nói chuyện rất rõ với chủ nhà rằng nếu giảm bớt giá thuê thì tôi sẽ tiếp tục, còn nếu không giảm thì tôi buộc phải trả nhà. Thực tế, việc cố giữ lại mặt bằng cũng chẳng phải điều gì có có lợi cho tôi vì bản thân vẫn phải trả tiền nhà, trong khi chẳng biết đến bao giờ mới hết dịch để mở cửa kinh doanh trở lại.
Nhưng chủ nhà kiên quyết không đồng ý nên tôi đã kết thúc hợp đồng. Mặc dù, trả nhà, tôi cũng bị ảnh hưởng về mặt trang thiết bị đã đầu tư. Về phần chủ nhà, khi tôi trả lại mặt bằng, họ cũng mất đi thu nhập hàng tháng, trong khi nhà để không và chẳng biết đến khi nào mới cho thuê lại được. Như vậy, chủ nhà cũng chẳng lợi lộc gì, và trong khi còn chẳng có tiền để đóng lãi ngân hàng nếu đang vay. Nói chung, đôi bên cùng thiệt hại.
Theo tôi, nếu chủ nhà khôn ngoan thì trong lúc này nên giảm giá thuê nhà cho người gặp khó khăn. Điều đó vừa là việc làm nhân đạo, vừa giữ được thu nhập cho bản thân, đôi bên cùng có lợi. Về lợi ích kinh tế, cho dù có giảm đến 70-80% giá phòng đi nữa thì cũng còn hơn việc để nhà bỏ không.
Thực tế, tôi thấy nhiều người cho thuê mặt bằng nhà trọ rất có điều kiện nhưng cũng nhất quyết không giảm tiền cho người đi thuê trong mùa dịch. Tất nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài, ai cũng khó khăn cả, nên chia sẻ được gì với nhau cũng đều là trên tinh thần tự nguyện cả. Giúp đỡ được người khó khăn lúc hoạn nạn thì bản thân cũng được hạnh phúc như lúc mình khó khăn mà được người khác giúp vậy".
Đó là quan điểm của độc giả Tuyen Phan xung quanh câu chuyện "Thất nghiệp ba tháng nhưng không được giảm tiền thuê trọ". Thời gian cách ly kéo dài đã ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều người lao động nhập cư bị mất việc, cuộc sống khó khăn và bấp bênh. Không có thu nhập trong khi vẫn phải ở trọ vì không được về quê, nhiều người mong muốn có được sự hỗ trợ, chia sẻ của chủ nhà.
Trong khi đó, với tư cách là một chủ nhà trọ, bạn đọc Lê lan chia sẻ: "Tôi cũng hiểu tâm lý của người phải đi thuê trọ lúc này, nhưng cũng rất mong các bạn hãy thông cảm cho chủ trọ. Bản thân tôi cũng phải đi thuê nhà 45 triệu mỗi tháng, sửa sang lại nhà mất 150 triệu đồng, đặt cọc ba tháng là 135 triệu. Như vậy, tổng số tiền tôi phải bỏ ra để đầu tư nhà trọ là 285 triệu đồng. Thế nhưng cũng phải mất ba tháng mới có đủ người thuê. Vậy mà lại trúng đợt dịch từ tháng tư đến nay, mấy tháng qua, thành phố giãn cách, sinh viên về quê nên trả phòng hết. Tôi hiện giờ chỉ còn hai phòng có người thuê.
Đầu tháng bảy, tôi đi bán hàng ở chỗ khác còn có tiền để chi trả. Nhưng sau Chỉ thị 16, tôi phải đóng cửa kinh doanh nhưng mặt bằng và tiền nhà vẫn phải đóng đầy đủ. Chủ nhà cũng không bớt đồng nào. Vẫn biết các bạn thuê phòng gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi có nhà cho thuê cũng đâu có dễ dàng gì, nhưng lại chẳng ai biết. Thế nên, thay vì than vãn, trách móc, chúng ta hãy cố gắng chờ hết dịch và làm lại từ đầu".
>> Hai năm thuê nhà mùa Covid không được giảm một đồng
Đồng quan điểm, độc giả Mưa bổ sung thêm: "Tôi là nữ, 32 tuổi. Tôi đã ở trọ đã 5 năm nhưng cô chủ nhà không giảm đồng nào. Tôi thấy không đủ khả năng tiếp tục nên xin trả nhà và chuyển đến chỗ mới tới nay đã được một năm rồi. Mấy tháng nay dịch căng hơn nên tôi có xin chủ nhà mới cho nợ lại một nửa tiền nhà mỗi tháng đến cuối năm. May mắn, chủ nhà mới chủ động bớt 50% cho tôi trong hai tháng, phần còn lại cho nợ.
Nói vậy để thấy, từ đầu đến cuối, tôi chỉ xin nợ thôi chứ không yêu cầu chủ nhà phải có bổn phận bớt cho mình. Giảm tiền thuê là tự nguyện của chủ nhà chứ không phải nghĩa vụ. Họ cho mình nợ cũng đã là quý rồi, vì đi vay lãi cũng không phải ai cũng cho mượn. Cuộc sống mưu sinh, ai mà chẳng khó khăn, nhìn bên ngoài đâu ai biết được thực hư thế nào?".
Đó cũng là suy nghĩ của bạn đọc IT_kid: "Nói đi cũng phải nói lại, chủ nhà trọ có giảm tiền thuê hay không còn tùy thuộc khả năng tài chính của họ. Nếu các bạn có nhà cho thuê và đang phải trả lãi ngân hàng cho chính căn nhà đó, ngoài ra các bạn cũng đang mất thu nhập 2-3 tháng vì dịch, vậy thử hỏi xem được bao nhiêu người sẽ đủ can đảm giảm tiền nhà trong hoàn cảnh như vậy?
Nếu các bạn đã về hưu hoặc thu nhập không ảnh hưởng nhiều trong mùa dịch, các bạn lại có nhà dư để cho thuê thì đó lại là câu chuyện khác. Nếu mặt bằng để kinh doanh thì các bạn có thể thương lượng vì mặt bằng đó không sử dụng trong mùa dịch này, nhưng nhà trọ thì dù có dịch hay không các bạn vẫn sử dụng, thậm chí sử dụng nhiều hơn, nên việc giảm tiền nhà trọ sẽ phụ thuộc khả năng chủ nhà thôi. Chúng ta không nên trách họ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.