"Gia đình tôi vay ngân hàng mua căn chung cư đúng dịp Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Thu nhập của hai vợ chồng đều sụt giảm trầm trọng, vừa gồng gánh nuôi con, vừa lo trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng gần như không hề có chính sách gì để hỗ trợ người vay, cứ đến tháng là họ thu không thiếu đồng nào.
Đến mùa giãn cách năm nay, thu nhập cả hai vợ chồng tôi đều giảm 50%, chỉ lo tiền trả nợ ngân hàng với mua thức ăn hàng ngày cũng đủ mệt. Tôi đem khó khăn hỏi bạn phụ trách khoản vay nhưng được trả lời rằng 'ngân hàng không có chính sách hỗ trợ, giảm hay giãn nợ gì cả'. Rốt cục, chúng tôi đành phải cố gắng tìm cách sống sót cho qua hết mùa dịch.
Nhiều người khuyên tôi 'sao không bán chung cư kiếm lời mà trả nợ?'. Nhưng thời điểm này chung cư làm gì có lời mà bán? Hơn nữa, đang dịch thế này lại càng không mong có lời, trừ khi bán lỗ thật nhiều mới có khách mua. Chung cư khu tôi có những nhà rao bán đến hàng năm nay vẫn chưa ai hỏi.
Ngành nào cũng phải kiếm cơm, nuôi nhân viên và sản xuất, đầu tư nọ kia, chứ không riêng ngành ngân hàng. Trong khi cả nước chung tay hỗ trợ nhau, tiền điện, tiền nước giảm, thậm chí viễn thông cũng đang đề xuất giảm, trong khi ngành ngân hàng vân không hề có động thái giảm hay giãn nợ cho người vay gặp khó khăn.
Có lẽ chỉ những ai trót vay ngân hàng mới thấu hiểu nỗi khổ này. Dịch kéo dài làm giảm thu nhập nghiêm trọng và bào mòn hết khoản tiết kiệm của người dân, gánh nặng trả nợ ngân hàng vì thế càng thêm nặng".
Đó là chia sẻ của độc giả Oanh Kieu , một người đang vay nợ ngân hàng trong mùa dịch. Thời gian qua, chính phủ đã có nhiều biện pháp nhắm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi dịch bệnh bùng phát kéo dài. Hàng loạt yêu cầu giảm giá tiền điện, tiền nước và cước viễn thông đã được đưa ra, nhận được nhiều sự ủng hộ. Trong khi đó, ngành ngân hàng vẫn chưa có động thái, chính sách cụ thể để chia sẻ khó khăn với những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Đồng quan điểm, bạn đọc Thái An bày tỏ nỗi trăn trở khi gánh nặng trả nợ ngân hàng vẫn nặng trĩu trên vai: "Tôi là chủ nhà trọ, năm 2019, tôi vay ngân hàng để đầu tư xây dựng nhà trọ. Qua hai đợt dịch (đợt một và đợt này) tôi đều giảm giá cho người thuê trọ. Tôi cũng thấy phường tới vận động các nhà trọ trên địa bàn để giảm giá cho người thuê, nhằm chia sẻ khó khăn. Nhưng tôi chưa thấy cơ quan nào nói tới ngành ngân hàng giảm lãi vay cho người dân cả, chính vì vậy họ đâu có bị ảnh hưởng vì dịch bệnh".
Ở trong hoàn cảnh tương tự, độc giả Mạnh Tùng nhấn mạnh: "Tôi cũng vay tiền ngân hàng mua nhà trọ cho thuê. Mấy đợt dịch vừa rồi thấy ở đâu cũng vận động hãy giảm giá thuê nhà, miễn phí cho người thuê trọ... Nhưng tuyệt nhiên, tôi không thấy ai vận động ngân hàng giảm lãi vay cho chúng tôi, dù chỉ một đồng. Vậy giảm giá, miễn phí cho người thuê thì thử hỏi tiền đâu để chúng tôi trả lãi ngân hàng?".
Lợi nhuận nửa đầu năm nay tăng trưởng hai chữ số khiến ngân hàng tiếp tục trở thành "điểm sáng" và là một trong những ngành có sức chống chịu tốt nhất trước sự tàn phá của Covid-19. Hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với mức tăng trưởng phổ biến trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này càng khiến nhiều người mong mỏi những hành động chia sẻ gánh nặng với các cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong mùa dịch.
Bạn đọc Nguyễn Thị Minh Phương bày tỏ: "Người dân làm ăn càng ngày càng khó, nhưng nhiều ngân hàng vẫn không có bất kỳ sự hỗ trợ nào về việc giảm lãi suất cho vay hay giãn nợ hợp lý cho người dân. Có chăng, họ chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn và rất lớn. Vì thế bao nhiêu ngành lao đao, còn ngân hàng vẫn sống khỏe. Nếu như người dân mất nguồn thu nhập thì họ cũng không thể trả nổi tiền vay ngân hàng. Thiết nghĩ, các ngân hàng cần có cơ chế tốt hơn để hỗ trợ người dân".
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm lãi suất vay, giãn nợ từ phía ngành ngân hàng, độc giả Bạch Dương khẳng định: "Rất nhiều người dân và doanh nghiệp nhỏ đang kiệt quệ vì dịch bệnh, trong khi các ngân hàng, các công ty tài chính lại không hề có động thái chủ động cân đối, cơ cấu lại khoản vay để tránh hệ lụy xấu dự báo chỉ trong thời gian tới khi khả năng mất thanh khoản và phá vỡ thị trường là rất cao.
Tôi cho rằng, với thực tế hiện nay, bản thân các ngân hàng, công ty tài chính phải chủ động có chính sách linh hoạt ngay lập tức để hỗ trợ người dân nghèo và doanh nghiệp nhỏ - các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh và khả năng chống chọi rất yếu. Nếu không có sự chủ động của bên cho vay thì e rằng kịch bản nợ xấu tăng khủng là điều đương nhiên và có thể thấy rất rõ".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.