"Bản thân tôi là lao động tự do, ở trọ tại TP HCM. Tôi chính thức mất việc từ ngày 1-6 khi quận tôi ở bị phong tỏa đến nay. Bây giờ, thành phố lại giãn cách thêm một tháng. Tiền trọ của tôi không được giảm, trong khi đăng ký nhận trợ cấp Covid-19 thì chưa được hỗ trợ. Tôi rất hiểu tâm lý của những người muốn rời thành phố lúc này, ở lại thì không có tiền thuê trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt".
Đó là chia sẻ của độc giả Tú Trương về tình cảnh cơ cực của những người lao động bị mắc kẹt tại TP HCM. Nếu tính cả đợt cách ly xã hội một tháng công bố tối 15/8, TP HCM đã trải qua hơn ba tháng rưỡi giãn cách theo nhiều cấp độ. Thời gian cách ly kéo dài đã ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều người dân bị mất việc, cuộc sống khó khăn và bấp bênh.
Đồng cảnh ngộ, bạn đọc Tommydoan12345 bày tỏ: "Gặp được chủ trọ tốt rất khó. Tôi trọ ở đường Lê Văn Sỹ, bị cách ly 21 ngày từ tháng 5, qua tháng 6 lại tiếp tục giãn cách 15 ngày, rồi đến Chỉ thị 16 đến hết nay. Tiền trọ của tôi vẫn bắt phải đóng đủ, trong khi người lao động phải nghỉ dịch ở nhà, bị cách ly, không đi làm thì lấy đâu ra tiền mà đóng? Ba tháng tiền trọ của tôi vào khoảng 10,5 triệu đồng. Muốn có số tiền lớn như vậy, tôi chỉ biết còn đi vay tín dụng mà thôi".
Tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn giữ tâm dịch, độc giả Nguyen Hoang Lam đồng cảm: "Phía đối diện nhà tôi có một cặp vợ chồng cùng con hơn hai tuổi đang thuê trọ. Người vợ ở nhà nội trợ và người chồng cũng đã thất nghiệp gần ba tháng nay. Thời gian đầu giãn cách, tôi và những nhà hàng xóm khác cũng có hỗ trợ một chút thực phẩm vì biết họ khó khăn. Nhưng sau này, giãn cách kéo dài, chúng tôi cũng bắt đầu gặp khó khăn, không thể giúp đỡ họ mãi được.
Các khoản hỗ trợ cho gia đình kia thưa dần và mấy hôm nay, ngoài vài cân gạo và bó rau mà mẹ tôi gửi, họ không còn nguồn thực phẩm nào khác. Tôi nhìn thấy sự khó khăn ngay trước mắt mình. Tôi nghe người chồng nói cũng muốn đi xe máy về quê ở miền Trung, nhưng con còn quá nhỏ, và cũng không chắc có được qua các trạm kiểm soát hay không? Trong khi đó, các khoản hỗ trợ từ thành phố cũng chưa đến tay họ được.
Tôi biết chính quyền cũng đã rất nỗ lực, các mạnh thường quân cũng đã làm hết sức mình, nhưng vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn cần được giúp đỡ để vượt qua được cơn hiểm nghèo này. Thành phố sẽ còn thực hiện giãn cách nghiêm ngặt khoảng một tháng nữa, tôi mong sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau trong cơn hoạn nạn. Cầu mong Sài Gòn sớm vượt qua cơn bạo bệnh".
>> 'Thất nghiệp ba tháng chưa được nhận tiền trợ cấp'
Nói về cuộc sống chật vật tại Sài Gòn những tháng qua, bạn đọc Anhkhoa Trầnphạm chia sẻ: "Tôi chạy xe ôm công nghệ, vợ làm giáo viên mầm non. Chúng tôi có một con nhỏ 15 tháng tuổi. Tôi đã làm đơn cũng như nộp CMND photo để xin hỗ trợ Covid-19 từ lần đầu tiên cách ly toàn thành phố nhưng chưa nhận được. Đợt này, thành phố lại cách ly toàn xã hội lần hai, kéo dài hơn. Tôi cũng nhiều lần liên hệ với tổ trưởng khu phố nhưng lần nào cũng nhận được một câu trả lời: "Ráng đợi đi em".
Khi thành phố ra quyết định giãn cách xã hội, nhà tôi tuân thủ cũng như hạn chế hết mức nhu cầu đi ra ngoài đường. Nhưng thời gian giãn cách lần này quá lâu và nhà tôi cũng đã dùng gần hết tiền để dành phòng thân".
Trong lần bùng phát dịch thứ tư, thành phố triển khai hai gói hỗ trợ người dân khó khăn. Đến nay, gói thứ nhất với tổng số tiền 886 tỷ đồng cơ bản hoàn thành. Ngoài nhiều nhóm ngành nghề được giúp đỡ, hơn 311.000 lao động tự do (mỗi người nhận 1,5 triệu đồng) được hỗ trợ với tổng kinh phí 467 tỷ đồng. Ở gói thứ hai tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng, TP HCM đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân trước ngày 15/8, nhưng đến nay, việc hỗ trợ chưa hoàn thành, một số quận huyện tỷ lệ chi trả còn thấp.
>> 'Người nghèo trong hẻm sâu khó nhận hàng cứu trợ'
Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn người dân mắc kẹt tại TP HCM, độc giả Hero lấy dẫn chứng từ bài học kinh nghiệm của Bắc Ninh: "Đây là cách mà Bắc Ninh đã và đang thực hiện:
- Xóm, phố lên danh sách công nhân, người ở trọ đang cư trú trên địa bàn.
- Loa phường, xóm thường xuyên tuyên truyền, cập nhật tin tức về dịch, vận động mọi người ở trong nhà. Các chủ trọ giảm tiền thuê, các mạnh thường quân hỗ trợ cho người dân.
- Lập nhóm từ thiện của xóm, thôn nấu ăn, nhận chuyển đồ đến tận nhà từng người trong khu, phát cơm đến các cá nhân khó khăn; không nấu, phát thực phẩm đến các nơi có thể tự nấu được.
- Lập nhóm trên mạng xã hội để kịp thời hỗ trợ các trường hợp cấp cứu, bệnh cần được đi đến viện.
Mong rằng TP HCM sẽ có các phương án khác hoặc tham khảo cách làm của tỉnh Bắc Ninh để giúp đỡ người dân khó khăn, nhất là những người đang ở trọ".
Đồng quan điểm, bạn đọc Honganlenguyen bổ sung thêm: "Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và chủ nhà trọ, tôi cho rằng nên chia hỗ trợ thành ba phần:
1. Tiền trọ: vận động và hỗ trợ trực tiếp cho các chủ nhà trọ theo định mức sàn hỗ trợ mỗi phòng. Chủ trọ tổng hợp lại danh sách người thuê được hỗ trợ theo đúng chính sách và chuyển đến cơ quan chức năng địa phương.
2. Các địa phương tổ chức trao trực tiếp phần hỗ trợ còn lại cho người lao động đã được đăng ký.
3. Chủ trọ đăng ký với tổ dân phố, địa phương để nhận thực phẩm định kỳ. Ngoài ra, nên tạo nhóm cộng đồng để các chủ trọ, địa phương, tổ dân phố thông tin đến các mạnh thường quân. Quan trọng nhất là hỗ trợ đúng người, đúng việc".
Thành Lê tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.