Mấy ngày nay, tôi thấy những người xung quanh mình râm ran bàn tán về chính sách giảm giá điện cho người dân bị tác động bởi Covid-19 vừa được ban hành. Bản thân tôi, bên cạnh niềm vui khi chính phủ đã có những hành động đồng hành cùng người dân vượt qua dịch bệnh, tôi lại có nhiều trăn trở khi nghĩ tới những hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Theo đó, sẽ giảm giá tiền điện cho khách hàng bị tác động bởi Covid-19. Cụ thể, hộ gia đình tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (tính đến ngày 30/7), được giảm 10%, nếu dùng trên 200 kWh một tháng. Với hộ dùng dưới 200 kWh một tháng, giảm 15% tiền điện. Mức giảm áp dụng cho số tiền trước thuế VAT và trong hai tháng (cho kỳ hóa đơn tháng 8 và 9/2021).
Đầu tiên, phải khẳng định đây là chính sách hỗ trợ rất cần thiết và kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách xã hội liên tục được tăng cường và kéo dài, nhiều người người lao động, đặc biệt là công nhân bị nghỉ việc, mất việc, sụt giảm nghiêm trọng nguồn thu nhập cá nhân.
Bản thân một nhân viên văn phòng như tôi cũng đã phải làm việc ở nhà từ hai tháng nay, tuy công việc vẫn được đảm bảo duy trì nhưng thu nhập cũng bị giảm đi ít nhiều do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động do lệnh giãn cách.
Chắc hẳn, ai trong hoàn cảnh này cũng đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ. Và những hành động thiết thực như giảm giá điện, nước, cước viễn thông... chính là cứu cánh cho không ít gia đình để tồn tại qua đại dịch. Tuy nhiên, điều mà tôi trăn trở trong nhiều ngày qua là làm sao để chính sách giảm giá điện áp dụng cho các đối tượng sử dụng khác nhau thực sự đem lại hiệu quả cao nhất, chạm tới tận từng hộ nghèo?
>> 'Thất nghiệp ba tháng chưa được nhận tiền trợ cấp'
Xin lấy ví dụ từ chính trường hợp của gia đình tôi. Kỳ nghỉ dịch này, hai vợ chồng tôi đều làm việc tại nhà, mức sử dụng điện cũng tăng lên đôi chút do thưởng xuyên dùng máy tính, quạt, điều hòa... Tuy nhiên, bản thân chúng tôi từ trước khi có dịch vẫn duy trì mức tiêu thụ điện trên 200 kWh một tháng, cụ thể là rơi vào khoảng một triệu đồng tiền điện. Nay sử dụng nhiều điện hơn nên có thể hóa đơn sẽ thăng lên khoảng 1,5 triệu đồng. Thế nên, sau khi được áp dụng chính sách giảm giá điện mới nhất, gia đình tôi sẽ được giảm 10%, tức 150 nghìn đồng một tháng.
Thực tế, con số này không đáng là bao với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng một tháng của vợ chồng tôi. Bản thân chúng tôi cũng tự thấy mình không bị ảnh hưởng quá nhiều, đến mức thiếu đói mùa dịch do công việc vẫn được duy trì, tiền lương giảm nhưng không đáng kể, sinh hoạt vẫn tương đối thoải mái. Được giảm 150 nghìn hay không, với tôi cũng không làm thay đổi quá nhiều điều kiện và thói quen sinh hoạt của cả nhà vì nó cũng chỉ tương đương với một ngày đi chợ thường nhật của vợ tôi.
Trong khi đó, hàng xóm của tôi có một gia đình bốn người, thuê nhà trọ cấp bốn, vợ chồng đều làm công nhân. Đợt dịch này, hai vợ chồng đều mất việc, không có lương, tiền trợ cấp Covid-19 nhiều tháng nay vẫn chưa được nhận. Gia đình họ đang phải sống tằn tiện nhờ những đồng tiền dành dụm ít ỏi sau nhiều năm lao động vất vả. Trung bình mỗi tháng, nhà họ chỉ tiêu khoảng 100 nghìn đồng tiền điện (chưa bằng con số được giảm của nhà tôi). Nay, với chính sách mới, được giảm 15%, tức 15 nghìn đồng, dường như không giúp được họ cải thiện đời sống là bao.
>> 'Tôi đã chờ đợi gói 62.000 tỷ quá lâu'
Nói vậy để thấy, 10% tiền điện được giảm của gia đình khả giả chẳng đáng là bao, nhưng với người nghèo, người mất việc lại là cả một số tiền lớn. Bản thân tôi sẵn sàng không cần giảm tiền điện (vì có giảm cũng chẳng thay đổi được gì nhiều), nhưng mong muốn những hộ nghèo, khó khăn thực sự sẽ được hỗ trợ nhiều hơn con số 15%, bởi nó có thể giúp họ có thêm thời gian để trụ lại cho đến ngày bình thường lặp lại. Điều đó sẽ khiến chính sách của chính phủ trở nên có ý nghĩa thiết thực và đem lại giá trị an sinh xã hội lớn hơn nhiều.
Tất nhiên, đã là thời kỳ dịch bệnh thì ai cũng khó, ai cũng cần được hỗ trợ, nhưng đây có lẽ là thời điểm để chúng ta thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, hãy để những người thực sự khó khăn được giúp đỡ nhiều hơn, và giảm dần cho những đối tượng vẫn "sống khỏe" mùa dịch như gia đình tôi. Tôi rất mong những góp ý ngày sẽ đến được với những lãnh đạo của ngành điện, để tạo điều kiện tốt nhất cho những người thực sự cần giúp đỡ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.