Chia sẻ quan điểm về vấn đề xử lý rác thải ở Việt Nam, độc giả NTB nhấn mạnh cần xác định mục tiêu cốt lõi là giảm lượng rác chôn lấp chứ không chỉ lo tăng thu phí: "Một khi đã phân loại thì chi phí đổ rác (của cả người dân và đơn vị xử lý) sẽ không còn cao nữa. Đó là một thực tế. Vấn đề là cách làm ở ta rất nửa vời, thiếu đồng bộ. Chúng ta có học hỏi các nước nhưng học không đến nơi đến chốn, chủ yếu tập trung vào công cụ (tăng thu) hơn là vì mục đích cốt lõi (giảm chôn lấp).
Nếu học đúng, làm đúng thì chúng ta trước hết phải lựa chọn công nghệ và đầu tư công nghệ, quy chuẩn hóa bao bì bán ở siêu thị, tạp hóa trước khi áp dụng phí mới. Đằng này, chúng ta áp dụng phí mới trong khi cách làm hoàn toàn cũ thì chính sách trở nên vô nghĩa".
Đồng quan điểm, bạn đọc Thích Hàng Lạ chỉ ra vấn đề cốt lõi khiến bài toán xử lý rác thải trong nước bao năm nay vẫn chưa tìm được lời giải: "Sao chúng ta không đến học hỏi quy trình xử lý rác của Hàn Quốc? Việc chỉ nhắm vào tăng thu phí rác sẽ gián tiếp làm cho rác có chủ trở thành rác vô chủ và hậu quả là rác sẽ được thả bừa bãi khắp nơi để tránh phí. Trong khi đó, cái gốc của vấn đề vẫn không giải quyết thì những biện pháp kiểu này e là sẽ còn làm trầm trọng thêm tình trạng rác thải và ô nhiễm môi trường.
Bao rác nên được quy định sản xuất với từng màu riêng biệt và ghi chú cho từng loại rác để người dân bỏ rác đúng theo phân loại. Ngay cả các chung cư cũng nên có các thùng rác lớn với màu sắc theo từng loại để người dân bỏ rác đúng quy định".
Độc giả Nguyễn mạnh hùng cho rằng cần một lộ trình rõ ràng trước khi tăng thu phí rác: "Cá nhân tôi cũng muốn đóng góp dưới dạng phí rác theo các hình thức hữu cơ, vô cơ hay chất rắn, chất mềm, thể tích khối lượng... theo hướng dẫn của cơ quan quản lý. Nhưng cũng xin yêu cầu cơ quan chức năng đưa ra một lộ trình đảm bảo rằng số phí thu được sau một thời gian chúng ta sẽ có "công viên rác", sẽ xử lý được bao nhiêu rác để góp phần vào các lĩnh vực điện, nông nghiệp, môi trường...? Còn không phí cứ đóng, rác cứ ứ, dân cứ khổ rồi lại chặn xe, lại hứa hẹn, lại... 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'".
Cùng chung mong mỏi về một chiến lược quản lý vấn đề rác thải rõ ràng, bạn đọc Hien Le nhấn mạnh: "Vấn đề là làm sao để người dân hiểu rõ mục đích và phương tiện thực hiện? Tôi ở cận kề với hàng xóm nhiều nơi và tôi đã chứng kiến họ sẵn sàng không đóng phí rác hàng tháng mà mang rác đổ thẳng ra sông hoặc bãi đất nào đó gần nhà nhưng không phải nhà mình. Nếu quản lý không tốt thì phương tiện, mà ở đây là tiền đóng theo lượng rác thải, sẽ không phát huy tác dụng cho mục đích cuối cùng.
Đáng buồn là tư duy một bộ phận người dân có thể nói hay khi họp tổ dân phố, nhưng khi gặp người lạ nhưng họ lại lén lút vứt 'thượng vàng, hạ cám' từ đệm, sofa...tới rác sinh hoạt hàng ngày ra bất cứ đâu, miễn không phải trong nhà họ. Tôi mong mỏi vô cùng một chiến lược quản lý và sự thay đổi tư duy về một cách sống văn hoá và có tính xây dựng cho tương lai".
>> Bạn nghĩ sao về chuyện thu phí rác thải theo cân? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.