Theo thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, Phạm Thị Thu Hương - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia; bác sĩ Trưởng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, thời kỳ ăn dặm đánh dấu bước chuyển mới trong chế độ ăn của trẻ. Lúc này, bé bắt đầu làm quen với thức ăn rắn, giảm dần lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Nếu thích nghi tốt, trẻ sẽ hào hứng với mỗi bữa ăn, tạo đà cho sự tăng trưởng toàn diện.
Tuy nhiên trên thực tế, khi chuyển sang giai đoạn ăn dặm, nhiều trẻ bị lười ăn, chán ăn - một chứng rối loạn hành vi ăn uống, biểu hiện bằng việc trẻ không thích ăn một hay nhiều món, khiến lượng thức ăn nạp vào cơ thể không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Hậu quả là trẻ có nguy cơ cao bị chậm phát triển, thiếu các khoáng chất, vi chất dẫn đến suy dinh dưỡng, còi cọc, giảm chỉ số phát triển trí tuệ, rối loạn nhận thức, hành vi...
Trẻ chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận thức ăn mới vì đã quen với việc chỉ bú sữa. Khi bé mới bắt đầu ăn dặm, hệ tiêu hóa cũng còn non yếu, chức năng nhai chưa hoàn thiện. Nếu mẹ cho trẻ ăn dặm không đúng cách như ép ăn khi bụng còn no, ăn quá nhiều bữa một ngày... khi con chưa kịp thích nghi cũng gây ra tình trạng trẻ lười ăn, sợ ăn.
Nguyên nhân từ mẹ: Mẹ mắc sai lầm trong việc cho trẻ ăn dặm như chiều theo sở thích "nghiện ti mẹ" của trẻ mọi lúc mọi nơi khiến trẻ luôn có cảm giác no không muốn ăn; xây dựng thực đơn ăn dặm cho trẻ không hấp dẫn (cho trẻ ăn đi ăn lại một món, trang trí món ăn không bắt mắt); không cho trẻ có thời gian làm quen với thức ăn mới, ép trẻ ăn thật nhiều; chế biến đồ ăn dặm cho trẻ quá mặn hoặc quá nồng, món ăn thiếu dầu ăn nhưng dư đạm...
Cách xử trí trẻ biếng ăn dặm, chỉ thích bú mẹ
Khi chuyển từ bú mẹ hoàn toàn sang giai đoạn ăn dặm phần lớn trẻ đều có dấu hiệu lười ăn. Tình trạng này thường diễn ra trong thời gian nhất định. Do đó, TS.BS Phạm Thị Thu Hương khuyên các mẹ không nên quá lo lắng, cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân từ đó có cách xử trí phù hợp.
Dưới đây là một số nguyên tắc mẹ cần nắm rõ để khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn chỉ bú mẹ:
Không "chiều" theo sở thích ti mẹ của trẻ. Nếu trẻ chê bột, đừng lo trẻ đói mà cho trẻ bú ngay, mẹ hãy kiên nhẫn đợi 15-30 phút sau, khi trẻ thực sự muốn ăn.
Giảm dần số lần trẻ bú mẹ trong ngày, hãy tính một bữa ăn bằng 2 cữ bú mẹ để điều chỉnh số lượng cho hợp lý.
Cho trẻ ăn dặm đúng độ tuổi và đúng cách. Cụ thể, giai đoạn ăn bột từ 6 - 9 tháng, giai đoạn ăn cháo từ 9 - 24 tháng, giai đoạn ăn cơm sau 24 tháng; và tuân thủ 3 nguyên tắc ăn bổ sung cho trẻ như sau:
Từ loãng đến đặc: Lúc mới bắt đầu, nấu bột loãng cho trẻ, sau đó tăng dần độ đặc lên. Cách này giúp hệ tiêu hóa của bé không phản ứng gay gắt với thức ăn lạ, đồng thời làm quen dần để từ từ tiếp nhận những món phức tạp hơn.
Từ ngọt đến mặn: Sở dĩ các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên mẹ cho trẻ ăn bột ngọt trước vì loại bột này có mùi vị tương tự sữa mẹ, nên khá "thân thiện" với bé. Sau khoảng 1-2 tuần, mẹ dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.
Từ ít đến nhiều: Bữa đầu tiên, có thể trẻ chỉ ăn được vài thìa bột, vậy là đủ. Mẹ đừng ép trẻ ăn hết bát, cần tập cho con ăn nhiều hơn vào những bữa sau, cụ thể là từ 2 - 3 thìa tăng lên 1/3 chén, rồi nửa chén, 2/3 chén... Như vậy, trẻ sẽ thích nghi dần với việc ăn dặm chứ không có cảm giác sợ vì bị ép ăn quá nhiều ngay trong bữa đầu tiên.
Mẹ thay đổi thực đơn liên tục, cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm. Bột ăn dặm của trẻ phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất quan trọng: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Các nhóm chất dinh dưỡng này cần được sử dụng một cách cân bằng, không thừa không thiếu. Đồng thời, mẹ nên bỏ công tìm tòi cách chế biến nhiều món ăn dặm đa dạng, hấp dẫn để đổi món cho con mỗi ngày, giúp trẻ làm quen và trải nghiệm hương vị của nhiều loại thức ăn mới.
Người lớn không bắt trẻ ăn quá nhiều, chỉ nên cho ăn vừa đủ theo nhu cầu. Nấu bao nhiêu thức ăn là việc của mẹ, nhưng trẻ mới là người quyết định có ăn hết hay không, ăn ít hay nhiều. Nếu bữa ăn của trẻ dư đạm, dư chất béo, cơ thể sẽ "phản đối" bằng cách gây rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, chướng bụng... khiến trẻ chán ăn.
Tăng cường các bữa ăn vặt để tạo điều kiện cho hệ cơ nhai của trẻ hoạt động. Mẹ có thể chọn trái cây mềm, phô mai, bánh ăn dặm hoặc hấp chín khoai tây, cà rốt, củ dền... rồi cho trẻ gặm.
Cần lưu ý thêm, nếu trẻ mới bắt đầu ăn dặm đừng vội vàng cai sữa. Nhiều mẹ thấy con được 6 tháng là vội vàng cho trẻ ăn nhiều để thay thế sữa mẹ. Điều này hoàn toàn sai lầm. Bởi đối với bé dưới một tuổi, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Việc đột ngột bắt trẻ cai sữa khiến trẻ mất đi nguồn dưỡng chất quan trọng, sốc tâm lý, quấy khóc, khó chịu, không còn hứng thú với thức ăn.
Mẹ có thể đưa trẻ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được thăm khám chuyên sâu, giúp trẻ có chế độ ăn dặm đầy đủ và cân bằng để trẻ phát triển tối ưu. Vì đây là giai đoạn nền móng quan trọng cho sự tăng trưởng sau này.
Ngữ Yên