Thời gian qua, đa số CĐV Việt cho rằng bóng đá nước nhà có thành tích châu lục vượt xa đối thủ cùng khu vực. Tuy nhiên, đó có lẽ chỉ là nhận định hợp lý trong khoảng bảy năm các đội tuyển của chúng ta được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo và bắt đầu giành được một số thành công ở cấp độ quốc tế.
Những thành tích như lọt vào Tứ kết Asian Cup, lọt vào Vòng loại thứ ba World Cup 2022 hay xếp hạng Tư tại Asiad 2018, luôn được lấy ra để làm minh chứng cho sự vượt bậc của bóng đá Việt Nam trước người Thái ở cấp độ châu lục. Tuy nhiên, sự thật có phải vậy không? Chúng ta thật sự làm tốt hơn Thái Lan hay thực chất chỉ đi sau và vẫn chưa bao giờ thực sự bằng họ?
Bản thân tôi là một người đã theo dõi bóng đá ĐNA trong suốt hơn 30 năm qua, từ giai đoạn mà Việt Nam bắt đầu hội nhập trở lại với sân chơi khu vực. Trong giai đoạn từ thế hệ vàng của Nguyễn Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Trương Việt Hoàng, Văn Sỹ Hùng, Trần Minh Chiến, Võ Hoàng Bửu, Trần Công Minh... khi đó mục tiêu tối thượng của bóng đá Việt vẫn chỉ luôn dừng ở giải đấu SEA Games và Tiger Cup. Chúng ta chỉ có một mục đích duy nhất là làm thế nào để có thể thắng được Thái Lan và nâng cao chiếc cup của khu vực. Và hiển nhiên, thời đó rất ít fan Việt thật sự quan tâm đến các giải đấu ở cấp độ châu lục.
Tuy nhiên, "đại kình địch" Thái Lan thậm chí còn làm được hơn chúng ta hiện tại. Cổ động viên Việt Nam luôn tự hào với thành tích lọt vào Tứ kết Asian Cup, tương đương với việc chúng ta nằm trong top 8 đội mạnh nhất châu Á. Vậy Thái Lan đã có thành tích nào tương đương chưa? Câu trả lời là có. Trong quá khứ, bộ môn bóng đá của Asiad đã từng là dành cho cấp độ ĐTQG, nơi mà các nền bóng đá cùng nhau dồn hết sức lực để tranh chấp những tấm huy chương danh giá.
Và kỳ tích của Thái Lan diễn ra tại Asiad 1998. ĐTQG Thái Lan với những ngôi sao đầu tàu như Kiatisak, Worrawoot Srimaka, Tawan Sripan, Dusit, Surachai... đã lọt vào đến Bán kết của giải đấu, tương đương với top 4 đội châu Á mạnh nhất thời điểm đó. Trong đó, trận đấu kinh điển nhất của Thái Lan là khi họ hạ gục Hàn Quốc tại vòng Tứ kết bằng bàn thắng vàng trong hiệp phụ.
Tôi vẫn còn nhớ bàn thắng đó là một siêu phẩm sút phạt đẳng cấp khiến cho toàn bộ người Hàn Quốc chết lặng. Hàn Quốc lúc đó với dàn sao vừa tham dự World Cup 1998 chưa đầy nửa năm đã gục ngã trước một Thái Lan vừa xuất sắc về chuyên môn, lại lì lợm về bản lĩnh. Đáng tiếc là sau trận quyết tử với Hàn Quốc, thể lực của Thái Lan đã suy giảm và họ phải chịu thất bại ở Bán kết trước một Kuwait đang trong giai đoạn hùng mạnh.
Không chỉ có Hàn Quốc, do đây là giải đấu danh giá tương đương Asian Cup, nên các đối thủ lớn như Iran, Nhật Bản, Trung Quốc... cũng đều mang đến những ngôi sao hàng đầu của họ với mục tiêu cao nhất là vô địch. Có thể kể đến những siêu sao châu Á lừng danh mà ít nhiều người Việt Nam từng nghe tên như Ali Daei, Ali Karimi, Karim Bagheri của Iran; hay Shunsuke Nakamura, Junichi Inamoto, Shinji Ono của Nhật Bản; Lee Dong Gook, Choi Yong Soo của Hàn Quốc; Hao Hai Dong, Sun Ji Hai, Fan Zhi Yi, Li Tie của Trung Quốc. Vậy nhưng Thái Lan vẫn vào đến Bán kết và trở thành một trong bốn đội mạnh nhất châu Á giai đoạn đó, xếp trên cả Hàn Quốc và Nhật Bản...
Không chỉ có vậy, Thái Lan cũng là ĐTQG đầu tiên của ĐNA lọt được vào Vòng loại cuối cùng của một kỳ World Cup. Họ làm điều đó trước Việt Nam đúng tròn 20 năm, và làm được tới hai lần (2002 và 2018) trước khi Việt Nam có được lần đầu tiên. Do sự khác biệt về thể thức thi đấu nên khó có thể đánh giá đội nào đã chơi tốt hơn. Tuy nhiên, nếu xét về chỉ số trung bình, Thái Lan kiếm được 0,5 điểm cho mỗi trận đấu tại vòng loại World Cup 2002, còn Việt Nam chỉ kiếm được 0,4 điểm cho mỗi trận ở vòng loại World Cup 2022. Như vậy, không thể nói Việt Nam đã thể hiện tốt hơn Thái Lan trong lịch sử tham dự vòng loại World Cup.
Nói vậy để thấy rằng ngay, cả khi thăng hoa nhất thì bóng đá Việt Nam cũng thực sự chưa bao giờ xuất sắc hơn người Thái như phần đông cổ động viên hiện nay đang tự huyễn hoặc. Bởi vậy, hy vọng NHM Việt, dù có yêu mến đội tuyển đến mấy thì cũng cần phải sáng suốt để "biết người, biết ta" và luôn khiêm tốn. Đừng quá ảo tưởng, tự cao tự đại, rồi lại vô tình phơi bày hình ảnh không đẹp của bóng đá nước nhà trước bạn bè quốc tế.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Bóng đá Việt không thể tiến xa nếu chỉ mong thay tướng đổi vận'
- Bóng đá Việt 'đẽo cày giữa đường' với lối chơi kiểm soát
- Ảo tưởng bóng đá Việt Nam ở 'mâm' trên Thái Lan
- Từ bỏ lối đá phòng ngự không giúp nâng tầm bóng đá Việt Nam
- 'Bóng đá Việt sai lầm khi bỏ lối đá sở trường phòng ngự - phản công'
- Bóng đá Việt chỉ quanh quẩn 'ao làng' nếu cứ đá phòng ngự