Trong một xã hội văn minh được tổ chức tốt, lợi thế sẽ mở ra cho nhiều cá nhân giàu có. Việc có học, có bằng cấp mà giàu có là chuyện đương nhiên. Song bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp giàu lên mà không cần có học (thực ra vẫn có học nhưng ở mức thấp). Dù các bạn có đưa ra bao nhiêu lý lẽ thì thực tế vẫn có những trường hợp "không học vẫn giàu".
Chúng ta cùng xem xét các trường hợp dưới đây:
1. Trong tập thể mạnh, bạn là kẻ yếu; trong tập thể yếu, bạn là kẻ mạnh
Nhiều người phương Tây không cạnh tranh được với môi trường làm việc trong nước và sau đó phải di chuyển đến những nước kém phát triển hơn và nhanh chóng trở thành người thành công tại đó. Đấy là ví dụ tiêu biểu cho việc "né tập thể mạnh, chọn tập thể yếu", hay "làm con ếch lớn trong ao nhỏ hạnh phúc hơn làm ếch nhỏ trong hồ lớn".
Rất nhiều người Việt, Trung Quốc, Ấn Độ... với trình độ trong nước rất thấp, chỉ làm việc công nhân, nhưng khi sang những nước châu Phi còn chậm phát triển, họ lại trở thành ông chủ. Vì đơn giản với trình độ thấp (khoảng lớp 5 đến lớp 9), khi sang một xã hội mà phần lớn dân số chưa được đào tạo, chưa có giáo dục thì họ vẫn rất "ưu tú". Chính lợi thế "ưu tú" hơn đã làm cho trình độ quản lý của họ từ "bình thường, thấp" ở "trong tập thể mạnh" thành "rất cao, ưu tú" ở "trong tập thể yếu".
2. Làm việc cho người giàu có học (cộng sinh học vấn)
Khi nhiều người giàu có, mức chi tiêu sinh hoạt hoặc các dịch vụ sinh hoạt đời sống hằng ngày, các công việc chân tay ngày càng tăng cao. Điều này tạo ra một thị trường mới, tạo điều kiện cho các hình thức làm giàu mà không cần học như dưới đây:
- Làm việc tại chỗ: Mức chi sinh hoạt phí cao, làm cho dịch vụ bán hàng, phục vụ ăn uống, dịch vụ dọn dẹp, may mặc... sẽ tăng cao. Ví dụ, một bà bán xôi ở góc phố sôi động sẽ có thể có thu nhập 50 triệu đồng/ tháng, trong khi bà ấy không có học. Việc khách hàng của bà bán xôi có học, có nhiều tiền hơn đã khuyến khích họ chi tiêu lớn hơn, khiến cho công việc của bà bán xôi phất lên. Tương tự cách hoạt động khác từ dịch vụ ăn uống, may mặc, đi lại, dọn nhà... cũng có thị trường phát triển mạnh.
- Xuất khẩu lao động: Khi một xã hội có học, có tổ chức cao được hình thành, các thành viên trong đó sẽ từ chối các công việc có thu nhập thấp, lao động vất vả, không ổn định... Điều này tạo cơ hội cho những lao động ở những quốc gia khác có thể tiến đến lấp vào các vị trí đó. Cùng với cơ hội hưởng lợi từ "tỷ giá hối đoái, tỷ giá tiền tệ" đã làm cho thu nhập từ công việc đơn giản này từ mức không thể sống, không hấp dẫn người bản địa, trở thành công việc hấp dẫn, có thu nhập tốt với người lao động nhập cư.
>> Ảo tưởng 'không học vẫn giàu nhanh'
3. Làm việc cho một hệ thống dây chuyền tự động được chuyên môn hóa
Ở một xã hội có trình độ chuyên môn hóa cao, thì một sản phẩm làm ra là của một hệ thống dây chuyền đã được chuyên môn hóa cao, mỗi mắt xích là một việc nhỏ đã được dễ dàng hóa, đơn giản hóa theo thuật toán "chia để trị". Việc này làm cho các công việc trở nên rất đơn giản, dễ dàng, do đó lực lượng lao động không yêu cầu trình độ cao vẫn có thể đảm nhận được. Điều này tạo công ăn việc làm cho những người "không có học" (có học ở một mức độ nào đó) vẫn có thể tham gia hoạt động sản xuất và làm giàu.
4. Trở thành "siêu cò" (kết nối khách hàng với khu vực sản xuất)
Thương lái có lẽ là cách gọi khá trực tiếp và cổ xưa cho hình thức này. Họ sở hữu tập hợp khách hàng, thị trường sau đó trực tiếp kết nối với khu vực sản xuất. Họ thu mua hàng hóa ở khu vực sản xuất sau đó, vận chuyển tới khu vực tiêu thụ và kiếm lời. Hay kiếm việc làm cho hệ thống sản xuất, ví dụ các trường hợp kỹ sư cầu nối trong công nghệ thông tin. Hay rất nhiều người nước ngoài giàu có lên nhờ việc làm "cò" trung gian giữa khách hàng trong nước của họ với hệ thống sản xuất ở các nước đang phát triển, chậm phát triển, hay trong chính trong quốc gia đó. Thành công nhất có lẽ là "cò" trong giới bất động sản.
Một hình thức nữa mà không thể không nói tới đó là trở thành các ngôi sao truyền thông, mạng xã hội. Họ cũng là "siêu cò" khi kết nối nhà sản xuất với khách hàng của họ. Các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm... đều tạo ra lợi nhuận với họ. Việc các nhà sản xuất càng mạnh tay chi tiền cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sẽ làm cho họ càng ngày càng có nhiều thu nhập. Ở đây, họ không chỉ là "siêu cò" mà còn cộng sinh học vấn với hệ thống tạo ra môi trường số, và hệ thống sản xuất các phương tiện truyền thông.
5. Trúng độc đắc
Có những người lại giàu có lên nhờ các hoạt động quay số trúng thưởng hay các trò chơi "may rủi" khác. Nhược điểm của việc làm giàu kiểu này là "xác suất rất thấp", thậm chí phát sinh rủi ro lớn khi mà nhiều người "bị tán gia bại sản" vì quá cuồng mà bỏ bê các công việc sản xuất hàng hóa khác, hoặc mức chi lớn hơn cả thu nhập của họ. Chưa kể, sau khi trúng độc đắc, nhu cầu tiêu dùng của họ tăng cao, nhưng kỹ năng quản lý tài chính kém, không cân bằng được cuộc sống, công việc, lại tạo ra mức chi khổng lồ, khiến họ lâm nợ, trở thành con nợ của người khác.
6. Tổ hợp của nhiều hơn một yếu tố bên trên
Đương nhiên sẽ có nhiều trường hợp làm giàu mà không cần học vấn có được nhiều sự tổ hợp của các cách thức làm giàu bên trên.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.